Ô nhiễm môi trường từ nuôi trồng thủy sản
15:49 - 26/07/2018
(MTNT)- Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh, cùng với đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 
Tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản đang ở mức đáng báo động

 
Đến nay trên 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm. Chịu tác động nặng nề nhất là các xã vùng biển như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia, do tỷ lệ nước bị ô nhiễm ở các địa phương này lên đến trên 50%.
 
 
Trước đó, nhiều vùng nuôi trồng dùng chung một hệ thống kênh cấp, kênh thoát, nên không có hệ thống xử lý nước thải, xả tràn lan ra các dòng sông dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, gây ô nhiễm.
 
 
Tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nguồn nước thải chưa qua xử lý tại ao nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ngoại đê xả trực tiếp ra môi trường, kênh mương… Trong khi đây lại là kênh đầu mối dẫn nước để cấp cho diện tích 106 ha nuôi trồng thủy sản vùng Nội đê của xã Hoằng Phụ. 30% các hộ nuôi trồng thủy sản vùng nội đê do Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phụ quản lý đều xảy ra hiện tượng tôm chết. Nhiều hộ tỷ lệ tôm chết từ 70% - 90%.
 
 
Nhiều hộ dân ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) ào ạt nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt tự phát gây ảnh hưởng đến môi trường. Chất thải trong quá trình nuôi tôm không được xử lý theo đúng quy trình nên khi thải ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Bên cạnh đó, hệ thống sục khí gây tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư, không khí bốc lên từ ao nuôi gây mùi khó chịu; nguồn nước uống xung quanh bị cạn kiệt. Hầu hết hộ nuôi tôm thẻ lót bạt không có phương án bảo vệ môi trường và hệ thống ao nuôi không đảm bảo kỹ thuật...
 
 
Hầu hết kênh mương, ao hồ trên địa bàn các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đang bị nước thải của những hồ nuôi tôm 'bức tử'. Xã Hoài Mỹ có hai vùng nuôi tôm đều thuộc thôn Công Lương là khu nuôi tôm tự phát dọc đầm Nam Lý có diện tích 18ha và khu nuôi tôm khu vực Bắc Lý diện tích 19ha. Do không có hệ thống cung cấp nước, xử lý nước thải nên nước thải và chất thải đều được người nuôi xả thẳng ra môi trường. Nước thải trong các hồ nuôi chưa xử lý được xả thẳng ra môi trường, ngập ngụa các tuyến kênh mương, ao hồ trên địa bàn, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài, lâu dần bốc mùi hôi thối trầm trọng.
 
 
Thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải cũng đang diễn ra tình trạng nuôi tôm ồ ạt với hàng chục ao nuôi, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Hầu hết các hồ nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy trình, làm nước mặn và chất thải ngấm vào mạch nước ngầm, đất dẫn đến nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không thể sử dụng được.
 
 
Có thể thấy nguồn thải từ ngành thủy sản rất đa dạng. Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa tích tụ bị thối rữa, phân và chất thải, là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường.
 
 
Đồng thời, bùn thải sau vụ nuôi cũng chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm gồm: Dư lượng hóa chất và kháng sinh. Ngoài ra, do ngập trong nước ở điều kiện yếm khí thời gian dài nên bùn thải còn chứa nhiều khí độc như: H2S, NH3,…
 
 
Bên cạnh đó, nước thải từ quá trình chế biến thủy sản chứa nồng độ ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với nuôi trồng bởi nguồn nước thải tập trung từ nhiều giai đoạn như: Rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, nước vệ sinh nhà xưởng, chất thải con người, nước rửa máy móc thiết bị. Điều đó khiến nồng độ ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản rất cao: BOD5 khoảng 800-2.000 mg/lít có lúc lên đến 4.500 mg/lít, COD khoảng 1.000-2.500 mg/lít có lúc lên đến 5.000 mg/lít, khuẩn Coliforms lớn hơn 1.105 MPN/100ml.
 
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thủy sản là do ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản.
 
 
Cơ chế chính sách về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi gây vướng mắc cho các doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải.
 
 
Ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, hiệu quả thấp; công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn yếu. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn xã hội.
 
 
Để hạn chế ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản giúp ngành thủy sản phát triển bền vững lâu dài, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và áp dụng những công nghệ mới nhất vào xử lý ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản; tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định.
 
 
Mỗi người dân, doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực nuôi trồng, tiến hành nuôi theo các hình thức có trách nhiệm với môi trường, xã hội và các phương thức nuôi cải tiến, hạn chế và xử lý hợp lý các chất thải trong nuôi trồng thủy sản ra môi trường.

Anh Dũng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn