|
Tình trạng người dân vứt bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay tại ruộng còn phổ biến (Ảnh minh họa) |
Tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), trong quá trình dùng thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân có tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 – 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo). Bà con còn không tuân thủ thời gian cách ly, nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như không được áp dụng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng hơn 200 loại thuốc BVTV đang lưu thông với số lượng sử dụng lên đến hàng chục tấn/năm.
Vẫn còn tình trạng chưa hiểu “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV nên bà con nông dân thường tăng lượng thuốc, giảm lượng nước với mong muốn sau khi phun sâu sẽ chết ngay. Thậm chí, có bà con còn sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc BVTV với mục đích giảm chi phí công phun thuốc. Việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc BVTV không những tốn kém, không hiệu quả, lại khiến môi trường chịu sự ô nhiễm nặng nề.
Vài năm trở lại đây, khi các loại thuốc BVTV được bày bán tràn lan với giá rẻ và cho hiệu quả thấy rõ đối với cây trồng, Người dân ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông (Quảng Trị), nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô, sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Dọc theo các khe, suối trên địa bàn các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa), bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV bị vứt bừa bãi, trong khi hầu hết nguồn nước sinh hoạt của bà con ở đây được lấy từ nước suối. Suối Pa Ráp, ở xã Pa Tầng (Hướng Hóa) là nơi đầu nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân các bản làng ở thung lũng phía dưới. Nước ở con suối này gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân quanh vùng bởi sự ô nhiễm của nó, nhưng họ vẫn phải sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo thống kê của ngành chức năng, Quảng Trị hiện có 187 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhưng chỉ có 80 cơ sở được cấp phép (đạt 43%). Với 57% cơ sở kinh doanh thuốc BVTV không phép này, người bán không có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực trồng trọt và BVTV nên việc tư vấn, giới thiệu thuốc BVTV cho người mua không thể chính xác dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
Theo một điều tra khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh, khoảng 76% nông hộ thường vứt bỏ vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay tại nơi phun thuốc; 92% nông dân thường rửa bình phun thuốc BVTV ngay trong kênh nội đồng hoặc trong các mương, ao trong ruộng. Nước thải từ việc rửa các dụng cụ phun thuốc được đổ ngay trong ruộng. Những người còn lại mang bình phun thuốc rửa và đổ nước thải trực tiếp trong kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Theo Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Lâm Đồng: Mức độ sử dụng thuốc BVTV tại địa phương. Hàng năm, ước tính thuốc thương phẩm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, các loại rau và hoa. Đặc biệt, phần lớn người dân ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2-3 loại thuốc để phun một lần. Cùng đó, còn nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng thuốc BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực như: Tồn dư thuốc BVTV trên cây trồng, gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, việc xử lý rác BVTV trên đồng ruộng gặp khó khăn. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh. Thuốc BVTV nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Sử dụng thuốc BVTV càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại.
Trước tình trạng trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, giúp các cơ sở kinh doanh nâng cao kiến thức để hướng dẫn nông dân cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Đồng thời, cần đầu tư xây các bể xử lý vỏ thuốc BVTV tập trung ở cánh đồng, nương rẫy để thu gom, xử lý vỏ thuốc; xử lý nghiêm những người buôn bán các loại thuốc cực độc có chứa hoạt chất cấm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo người dân tích cực sử dụng biện pháp sinh học, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học. Qua đó, nâng cao ý thức cho người dân sử dụng đúng thuốc BVTV, không chỉ bảo vệ tốt mùa màng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.