Ô nhiễm môi trường rác thải nông thôn
15:17 - 28/05/2018
(MTNT)- Hiện nay rác thải sinh hoạt nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm do lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Công tác thu gom và xử lý rác thải còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. 
Việc thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn còn rất hạn chế.


Rác thải ở khu vực nông thôn có sự khác biệt đáng kể về thành phần và mức độ gây ô nhiễm, tùy theo nguồn phát sinh và được phân loại theo ba nhóm chính là rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và rác thải làng nghề. Trong đó, rác thải sinh hoạt có đặc trưng là thành phần hữu cơ, dễ phân hủy, chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 65 - 70% tổng lượng rác thải.
 
 
Ðối với loại rác thải từ nông nghiệp như bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và từ các làng nghề thì thành phần vô cơ và các hợp chất độc hại, khó phân hủy là mối nguy hại lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất và gây hại cây trồng.
 
 
Việc thu gom và xử lý còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng môi trường, đặc biệt tại các vùng ven đô thị, vùng đồng bằng tập trung nhiều dân cư. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trung bình chỉ đạt từ 40 - 55% so với lượng phát sinh rác thải.
 
 
Ở một số địa phương của tỉnh Hưng Yên tình trạng rác thải sinh hoạt vẫn còn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn. Tình trạng xả, đốt rác bừa bãi nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông vẫn tồn tại. Đặc biệt, ven Quốc lộ 5 và 39 trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng ngập rác thải công nghiệp lẫn rác thải sinh hoạt. Hiện khoảng 35% lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
 
 
Tại Bắc Ninh, ước tính mỗi ngày Bắc Ninh phát sinh khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt, được lưu giữ tạm thời tại 550 điểm tập kết, khoảng 70% được vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung của huyện để xử lý bằng công nghệ đốt, số còn lại do người dân tự đốt tại các nơi lưu giữ rác thải và một phần nhỏ là đổ ra đường, mương hồ, đặc biệt ở các làng nghề truyền thống. Đối với các loại chất thải khác như bao bì, chai lọ thuốc BVTV hiện nay hầu như chưa được xử lý an toàn, hợp vệ sinh.
 
 
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi ngày khu vực nông thôn thải ra môi trường gần 600 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69%, chủ yếu theo phương thức chôn lấp, có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường thứ phát do mùi, nước rỉ rác. Các bãi rác thải tập kết tạm thời tại các xã, thị trấn mặc dù được bố trí theo đúng quy hoạch, đảm bảo các quy định song quy trình xây dựng không có lớp lót đáy, không có hệ thống thu gom nước thải. Thêm vào đó, hình thức chôn lấp tại các địa phương khá thủ công, thô sơ, chưa đảm bảo các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nhiều kênh, mương, ao, đầm... bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến dòng chảy, chất lượng nước do rác thải.
 
 
Tại Quảng Bình, rác thải xả tràn lan gây ô nhiễm diễn ra tại nhiều vùng nông thôn tại huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy,…Không chỉ đồng ruộng mà ngay cả dọc quốc lộ tình trạng rác thải gây ô nhiễm và không được quản lý. Đặc biệt là dọc theo QL 1A, đi qua địa phận xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh và Đèo Lý Hòa, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch nhiều bãi rác cũng được xả tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, tại những địa điểm này rác thải không những không được thu gom mà còn xử lý ngay tại chỗ bằng cách đốt nên tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.
 
 
Thực tế hiện nay cho thấy công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt chưa đồng bộ, hiện đại, chủ yếu là công nghệ chôn lấp (chiếm tới 75%) và một số ít cơ sở xử lý chất thải sử dụng công nghệ sản xuất phân mùn hữu cơ, công nghệ đốt và các nghệ tái chế khác. Một số công nghệ mới được nghiên cứu và áp dụng trong nước đáp ứng được tiêu chí hạn chế chôn lấp nhưng việc hoàn thiện công nghệ và triển khai nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế; tính đồng bộ, hiện đại, mức độ tự động hóa của hệ thống thiết bị trong dây chuyền công nghệ chưa cao; các công nghệ xử lý rác thải chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp.
 
 
Đặc biệt, nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, xử lý cũng hạn chế. Chất thải chưa được phân loại, tận dụng phần có ích để tái chế. Nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chưa đóng phí dịch vụ đầy đủ.
 
 
Trước thực trạng trên, vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn đã được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước thông qua việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung, các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành nói riêng.
 
 
Nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan.
 
 
Ở một số địa phương ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các khu xử lý rác thải việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ...đang được nhân rộng; công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn cũng đang được đẩy mạnh và bước đầu thu được một số kết quả nhất định…

Văn Phòng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn