Quảng Bình: Hiệu quả từ mô hình bể chức rác thải ở nông thôn
14:56 - 18/05/2018
(MTNT) - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các vùng nông thôn đến mức báo động. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề cần được các cấp, các ngành, đoàn thể đặc biệt là người dân quan tâm.
Mô hình bể chứa rác thải đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho môi trường nông thôn (Ảnh minh họa)

 
Mô hình bể chứa rác nông thôn được hình thành tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực. Theo ước tính, kinh phí xây mỗi bể chứa rác khoảng 10-15 triệu đồng, với chiều dài là 6m, rộng 3m, cao1-1,5m có thể chứa 5-7 khối rác. Các bể chứa rác thường nằm ngoài khu dân cư để tránh ô nhiễm và nằm trên mặt đường để thuận tiện trong công tác thu gom và vận chuyển.

 
Tại các xã An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy (huyện Lệ Thủy), mỗi hộ gia đình sau khi sử dụng thì tự phân loại rác thải tại nhà. Đến ngày thu gom, đội thu gom rác thải sẽ đi dọc các trục đường thôn, lối xóm mà mình phụ trách để thu gom rác từ các hộ gia đình.


Khi có chuông kẻng đi ngang qua nhà, các hộ dân đưa rác đã được bỏ trong sọt, túi ni lông, thùng rác hộ gia đình đổ lên xe. Ở xã An Thủy, thì các hộ dân để sẵn rác đã được phân loại trước cổng nhà đến giờ người thu dọn rác đi ngang qua thu gom, sau đó sẽ được vận chuyển về bể chứa rác thải.

 
Đối với những thôn gần với điểm trung chuyển thì nhân viên thu dọn sau khi thu gom trong dân, sẽ đưa thẳng về bể chứa bằng xe đẩy thu gom chuyên dụng.


Còn vùng dân cư ở xa thì rác thải sau khi thu dọn sẽ tập trung lại một điểm có thể dùng xe bò kéo hoặc xe công nông vận chuyển về bể chứa. Sau đó, Ban quản lý các công trình công cộng sẽ vận chuyển về bãi chứa rác của huyện bằng xe chở rác chuyên dụng để xử lý.

 
Bà Bùi Thị Nga, ở xã An Thủy chia sẻ: "Trước đây bao nhiêu bao bì, chai lọ của nhà tôi dùng xong đều vứt lung tung quanh vườn, mùa mưa nước lên là bị đẩy ngược vào nhà. Nhưng từ khi có mô hình này rác thải trong nhà đều được thu gom sạch sẽ,  nhờ đó môi trường sống trong sạch hơn".

 
Không chỉ xây dựng bể chứa rác ở mỗi thôn, xóm, mà tại các chợ của huyện Lệ Thủy nơi lượng rác thải hàng ngày lên đến cả tấn cũng được áp dụng mô hình bể chức rác với những hiệu quả thiết thực.

 
Ngoài 12 bể chứa rác tại 12 thôn trong xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy thì tại các chợ của xã, các tiểu thương đóng góp xây dựng thêm bể chứa. Rác thải bao nhiêu đều được thu gom theo đúng quy định. Xe gom rác chỉ việc đến và đưa đi xử lý. Hiện nay việc thực hiện mô hình đã đi vào nề nếp, nhờ đó ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng được nâng lên đáng kể.

 
Bà con tại các thôn ở xã Lộc Thủy còn hợp đồng với các cấp Hội, đoàn thể và một số hộ nghèo thu gom rác. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ đóng 6.000 đồng/tháng để trả cho người thu gom rác. Việc làm này cũng giúp tăng thu nhập cho một số hộ nghèo trong xã.

 
"Mô hình bể chứa rác nông thôn đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả lớn trong việc giữ vệ sinh môi trường. Đó là tín hiệu vui cho công tác bảo vệ môi trường ở địa phương" –ông Bùi Hữu Tư xã Lộc Thủy chia sẻ.

 
Tại huyện Quảng Ninh, dù mô hình triển khai muộn hơn nhưng đến nay hầu hết các xã: Xuân Ninh, Hiền Ninh, Gia Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh đều có bể chứa rác.


Ngoài vận dụng những kinh nghiệm từ huyện Lệ Thủy, một số xã của huyện Quảng Ninh còn cải tiến thêm mô hình này để tăng thêm hiệu quả cho việc xử lý rác thải. Như ở xã Xuân Ninh, các bể chứa rác đều được lợp thêm mái tôn để khi trời mưa rác không bị bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân

 
Ông Hà Xuân Qúy ở thôn Vĩnh Tuy 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh khẳng định: "Từ khi có bể chứa rác, người dân trong thôn có ý thức hơn, cứ đến ngày 10, 20, 30 hàng tháng các hộ trong thôn bỏ rác vào bao buộc chặt đem ra trước cổng để đội thu gom đến chở ra bãi chứa.


Trước đây chưa có bể rác, rác rơi vãi lung tung, "cha chung không ai khóc", bìa làng, bìa thôn đâu đâu cũng thấy rác. Nay thì bà con chấp hành rất nghiêm chỉnh, đường làng ngõ xóm sạch sẽ".

 
Hiện trên địa bàn huyện Quảng Ninh có một số xã như: Võ Ninh, Lương Ninh đang triển khai mô hình bể tập kết rác tạm thời, thời gian lưu trữ rác khoảng 1-2 ngày.


So với bể tập kết của các xã khác thường từ 3-4 ngày (tùy vào lượng rác có trong bể chứa, lúc nào đầy thì đem đi xử lý) thì nó đem lại hiệu quả rõ rệt hơn, không chỉ giảm thiểu tình trạng hôi thối và bốc mùi của rác mà còn thuận tiện hơn trong công tác luân chuyển của đội thu gom rác.

 
Mô hình bể chứa rác thải ở nông thôn ra đời tại Quảng Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho môi trường nông thôn, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường, hợp vệ sinh góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giải quyết vấn nạn rác thải ở địa phương.

 
Hải Triều
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn