(MTNT) – Vấn đề ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu là thách thức lớn cho nhiều địa phương. Để xử lý ô nhiễm tại những điểm tồn lưu thuốc BVTV đòi hỏi kinh phí lớn, yêu cầu kỹ thuật xử lý phức tạp, trong khi ngân sách hạn hẹp, năng lực còn hạn chế. Đây là một bài toán nan giải đối với nhiều địa phương trong cả nước.
|
Chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi sau khi sử dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường |
Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp, nhưng cũng thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy, việc sử dụng hóa chất BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng.
Tuy nhiên, phần tồn dư của hóa chất BVTV trên các sản phẩm nông nghiệp, rơi xuống nước bề mặt, ngấm vào đất, di chuyển vào nước ngầm, phát tán theo gió gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Cả nước hiện có 1.562 điểm tồn lưu thuốc BVTV tại 46 tỉnh, thành phố, 200 điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân tại các khu vực.
|
Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường (Viện Môi trường Nông nghiệp) cho biết: Do công tác quản lý lỏng lẻo, nhiều địa phương tồn tại các điểm chôn vùi thuốc BVTV dẫn đến các hóa chất ngấm vào đất, hoặc do mưa, lụt, bão đã làm phát tán ngày càng rộng hơn, gây ô nhiễm trên diện rộng.
Đáng chú ý, các kho chứa thuốc BVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu, nền móng để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm; các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hằng năm cho nên đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng…
Theo số liệu thống kê, việc sử dụng thuốc BVTV đã tăng lên đáng kể cả về khối lượng lẫn chủng loại, với hơn 1.000 loại đang được lưu hành trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy (POP) và các loại thuốc BVTV có độc tính cao đã làm cho mức tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất, không khí và môi trường ngày càng lớn. Kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, các loại thuốc BVTV tồn lưu trong đất chủ yếu gồm: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, thuốc diệt gián, Vinizeb, Echo và nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phó Cục trưởng Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết: Những năm qua, nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các kho chứa thuốc BVTV đã được triển khai.
|
Để xử lý thuốc BVTV tồn lưu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước và Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2010-2015; Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT ngày 25/12/2013 về qui định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý thuốc BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh những giải pháp về chính sách, hiện nay có nhiều giải pháp về kỹ thuật đang được áp dụng để tiêu hủy thuốc BVTV. Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Hội HCH và hóa chất trừ sâu (Mr.J.Vigen) đã phân chia các giải pháp công nghệ thành hai nhóm chính, đó là giải pháp đốt (combustion) và giải pháp không đốt (non-combustion).
Cùng với những giải pháp về chính sách, kỹ thuật, các giải pháp về truyền thông cũng cần được đẩy mạnh như việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV hiện hành một cách có ý thức.
Bộ TN và MT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động quản lý, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV; các bộ, ngành cần ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn có các điểm thuốc BVTV tồn lưu; đồng thời tìm kiếm các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án quốc tế để hỗ trợ công tác thu gom, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường tại địa phương...