Thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra là vô cùng to lớn
15:18 - 18/07/2022
(MTNT) – Thời gian qua, từ những hiểm họa do thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu cho thấy xét cả về tính chất, mức độ đang ngày càng trở nên vô cùng khắc nghiệt và có những diễn biến khó lường. Do đó, gây ra nhiều thiệt hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.

Tình trạng hạn hán khốc liệt làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và sản xuất của người dân

 
Theo con số thống kê từng được công bố, trong năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt với gần 380 trận thiên tai xảy tới; gây ra mức độ thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản. Mặc dù các quốc gia đều đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống, tuy nhiên, thiên tai đã khiến cho 16.000 người thiệt mạng. Đồng thời, mức độ thiệt hại về kinh tế vào khoảng trên 343 tỷ USD (cao hơn nhiều so với năm 2020).

 
Thêm vào đó, qua hai đợt nắng nóng gay gắt diễn ra vào mùa hè cũng dẫn đến tình trạng nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên khắp châu Âu trong thời gian qua. Từ đó, đã làm bùng phát các vụ cháy rừng có sức tàn phá hủy diệt trên khắp vùng Tây Nam của châu Âu. Cụ thể: Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6 năm 2022 cao hơn khoảng 0,3 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn từ năm 1991 – 2020 và đã khiến cho nơi đây trở thành thời điểm có tháng 6 nóng bức đứng thứ 3 trong số những kỷ lục từng được ghi nhận.
 

Trước hiện tượng ấm dần lên của trái đất được dự đoán sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, làm gia tăng khả năng xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi. Đồng thời, cũng sẽ gây ra những thiệt hại lớn hơn trong bối cảnh hiện tượng đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng và đang dần thu hẹp các diện tích đất hoang của những vùng đô thị.

 
Như vậy, biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro lớn nhất mà xã hội của chúng ta và nền kinh tế toàn cầu nói chung đã và đang phải đối mặt.

 
Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp quốc đưa ra những con số cho thấy: Trong vòng 20 năm qua, ước tính các loại hình thiên tai xảy ra trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 75%; làm thiệt mạng hơn 1 triệu người; tác động và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân; gây ra mức độ thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.

 
Việt Nam cũng là một trong số năm quốc gia đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Ước tính, trong vòng 20 năm qua, với các loại hình thiên tai khốc liệt xảy ra như bão, lũ, lở đất… đã khiến cho hơn 13.000 người thiệt mạng; gây thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 6,4 tỷ USD.


Năm 2021 được đánh giá là năm giảm kỷ lục về sự thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, thiên tai cũng làm cho 108 người thiệt mạng và mất tích (giảm 70% so với năm 2020); 95 người bị thương… Ước tính thiệt hại về kinh tế vào khoảng hơn 5.000 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

 
Đặc biệt, tính thời điểm từ giữa tháng 9- 12 năm 2021, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã phải gánh chịu những ảnh hưởng liên tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ. Trong đó, cơn bão số 9 (siêu bão Rai, mặc dù đã giảm cấp khi qua đất liền Philippines) khi tiến vào Biển Đông thì cường độ vẫn rất mạnh- ở cấp siêu bão và được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Siêu bão này đã làm 37 người bị thiệt mạng và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng.

 
Có thể thấy, trong số các loại hình thiên tai xảy ra ở nước ta thì bão lụt luôn có sức tàn phá lớn nhất, gây ra những thiệt hại lớn nhất cả về con người và tài sản. Điều đáng nói là bão lũ trong những năm gần đây đang ngày càng có những diễn biến trái quy luật, khó lường, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện bão lũ.

 
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này đó là hiện tượng La Nina, đã xảy ra trong 3 năm liên tiếp (tính từ năm 2020). Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, tình trạng mưa bão sẽ còn tiếp tục dồn dập, phức tạp và khó lường.

 
Từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra các đợt thiên tai dị thường, trái quy luật như đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Nam Trung bộ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, ở các khu vực khác cũng xảy ra tình trạng mưa dông, lốc, sét do nước ta đang bước vào thời kỳ chuyển mùa. Trên biển cũng đã xuất hiện những cơn bão sớm ở khu vực vùng biển Tây Bắc của Thái Bình Dương, theo đánh giá, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhưng các cơn bão cũng đã xuất hiện sớm.
 

Tại các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam bộ, tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã xảy ra 183 trận mưa lớn kèm theo lốc sét làm 12 người thiệt mạng và 40 người bị thương; 162 điểm với tổng chiều dài 55.216 m2 bị sạt lở tuyến bờ sông, bờ biển; ước tính thiệt hại khoảng 153 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, hệ thống thủy điện trên dòng sông Mê Kông cơ bản hoàn thiện và đã gây tác động rất lớn cả về tích cực và tiêu cực tới khu vực hạ lưu; phần nào làm thay đổi quy luật khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Theo đó, mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi. Cụ thể: Đã xảy ra 95 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 93 trận dông lốc; 45 vụ sạt lở bờ sông; 131 trận động đất; 2 đợt rét đậm, rét hại…

 
Từ các loại hình thiên tai tàn khốc nói trên đã khiến 68 người bị thiệt mạng và mất tích, 40 người bị thương. Đồng thời, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.015 tỷ đồng tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc nước ta.

 
Trong đó: Có 136 ngôi nhà bị sập, 3.620 nhà hư hỏng, tốc mái; 29 cầu tạm bị cuốn trôi; làm sạt lở 24,96 km2 đường giao thông cùng với 623.738 m3 đất đá bị sạt lở; có 167.979 ha lúa và hoa màu chịu sự ngập úng, thiệt hại; 17.563 con gia súc và 56.046 con gia cầm bị chết; có 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 3.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cùng 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân bị thiệt hại.

 
Nhận định về diễn biến thời tiết trong thời gian tới, theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường cho biết: Trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ còn diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021; đặc biệt là thời điểm khi mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm, nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ lớn bất thường.

 

Những diễn biến của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khốc liệt và có tính chất bất thường

 
Trước những diễn biến của thiên tai dự đoán có tính chất bất thường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo. Từ đó, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng…

 
Đối với các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 
Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015- 2020. 

 

Trong 5 năm qua, theo thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy những thiệt hại do các vấn đề về thiên tai gây ra ở nước ta là rất nghiêm trọng. Cụ thể: Năm 2016, thiên tai làm 264 người thiệt mạng và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng.

Năm 2017 tăng lên làm 386 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng.

Năm 2018 có 224 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Năm 2019, thiên tai làm 133 người thiệt mạng và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người thiệt mạng và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi… tổng thiệt hại lên tới gần 40.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày (thời điểm tính từ giữa tháng 9 – 10 năm 2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung bộ đã khiến 267 người thiệt mạng và làm thiệt hại về kinh tế khoảng 35.800 tỷ đồng.
Nguyễn Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn