Hội viên, nông dân tham gia các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
|
Các cấp Hội tập trung đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới |
Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động trồng cây hưởng ứng “ Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2021 – 2025 trồng mới 1 tỷ cây xanh.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cho các tỉnh, thành Hội tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống giảm nhẹ thiên tai; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngà̀y Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021.
Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí cho Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình tổ chức mít tinh hưởng ứng Làm sạch môi trường biển với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, hội viên nông dân cổ động, trồng cây, vệ sinh môi trường biển; thực hiện 06 chương trình dự án; vận động, hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng được 9.649 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững Trung ương Hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được 68 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; ký Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học & Công nghệ giai đoạn 2021-2025.
Các cấp Hội tích cực tham gia triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 nhưng hội viên, nông dân vẫn tích cực góp công, góp kinh phí, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Hội viên, nông dân hiến trên 450 ha đất đất; đóng góp trên 2 nghìn tỷ đồng; trên 3,4 triệu ngày công lao động; sửa chữa, bê tông hóa trên 90 nghìn km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 66 nghìn km kênh mương nội đồng góp kinh phí, nông sản, ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nông dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần người dân nông thôn.
Các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện công tác xã hội với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sức lan tỏa ở nhiều địa phương; có 9.649.131 hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt 104,8% kế hoạch năm.
Trung ương Hội ký kết chương trình phối hợp số 01/CTPH giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội triển khai thực hiện.
Thông qua hoạt động xây dựng mô hình do Hội Nông dân Việt Nam xây dựng có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động của Hội trong các phong trào thi đua luôn đổi mới đa dạng các hình thức tuyên truyền được hội viên, nông dân tiếp thu, cảm nhận tốt là các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội thi.
Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả, tích cực, có sức lan tỏa rộng nên trong những năm gần đây Hội đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn và chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện.
Nhiều cơ sở Hội ở khu vực nông thôn đã xây dựng các mô hình dịch vụ quản lý chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất.
Nhiều nơi đã xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu của của người dân, đem lại hiệu quả cao như: mô hình tổ tự quản vệ sinh môi trường, đưa việc thu gom và xử lý rác thải thành nề nếp.
Các cơ sở và chi Hội đã vận động hội viên, người dân thành lập các chi, tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt tại khu dân cư và trên đồng ruộng.
Đặc biệt, thời gian qua Hội rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường cho hội viên. Hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp các cấp Hội tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong sản xuất luôn chỉ đạo các tổ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tuyên truyền người dân thay đổi thói quen vứt rác, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ra kênh, sông mà nên tập hợp lại ở các hố, địa điểm chứa chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật để thu gom.
Thời gian tới các cấp Hội tuyên truyền, vận động trên 3.500 cơ sở Hội xây dựng được ít nhất một mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục phối hợp, tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là Chương trinh Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; hướng dẫn và tổ chức các hoạt động cụ thể để hội viên nông dân tiếp tục hưởng ứng thực hiện các phong trào như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Hội sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên nông dân; vận động xây dựng đời sống mới; xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các vùng miền, dân tộc; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp…