Nhức nhối vấn nạn khai thác tận diệt thủy sản
09:16 - 28/06/2022
(MTNT)- Khai thác thủy sản bằng các phương thức tận diệt bị cấm vì làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, tàn phá môi trường. Trong số những nghề đánh bắt thủy sản gần bờ mang tính hủy diệt, tàu giã cào được mệnh danh là ‘sát thủ’ đáng gờm nhất. Dù các lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý nhưng tình trạng này vẫn không giảm và nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngày một cạn kiệt.
Mặc dù đã được các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, nhưng trên vùng biển Quảng Nam, nhiều tàu cá đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt” bằng hình thức giã cào vẫn lén lút hoạt động.


Trên vùng biển Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) hoạt động đánh bắt sai tuyến, đặc biệt là sử dụng tàu giã cào công suất lớn đánh bắt thủy, hải sản theo kiểu “tận diệt” làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Giã cào trước đây vốn là nghề truyền thống của người dân các vùng bãi ngang, sử dụng thúng, thuyền nhỏ để đánh bắt ven bờ. Theo quy định, các tàu giã cào lớn chỉ được khai thác ở phạm vi cách bờ 24 hải lý trở ra. Thế nhưng, phớt lờ quy định này, nhiều tàu giã cào vẫn lén lút hoạt động trái tuyến, thậm chí chỉ cách bờ chưa đến 3 hải lý. Lý do dễ hiểu là khai thác xa bờ tốn nhiều nhiên liệu, “cào” gần bờ sẽ tận thu triệt để được nguồn lợi hải sản. Hoạt động sai tuyến này đã hủy hoại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái ven bờ, nhất là vào mùa các loài vào vùng lộng để sinh sản.
 
 
Mặc dù đã được các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, nhưng trên vùng biển Quảng Nam, nhiều tàu cá đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt” bằng hình thức giã cào vẫn lén lút hoạt động. Phương thức đánh bắt này khiến các ngư dân hành nghề đánh bắt gần bờ rất bức xúc trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị hủy diệt, ô nhiễm môi trường biển và hơn thế nữa, ngư lưới cụ của bà con cũng bị các tàu giã cào phá hủy, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
 
 
Đến nay, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã phát hiện, bắt giữ hàng chục phương tiện hành nghề khai thác bằng giã cào trái phép. Điển hình là vụ phát hiện, bắt giữ 4 phương tiện của ngư dân thành phố Đà Nẵng và huyện Duy Xuyên. Tháng 9-2021, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa Đại khi làm nhiệm vụ tại khu vực cách bờ biển Cửa Đại 3 hải lý, phát hiện 4 phương tiện của ngư dân thành phố Hội An đang sử dụng giã cào để khai thác hải sản trái phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, ngư dân trên 4 tàu cá này đã cắt lưới bỏ chạy nhưng đã bị tàu tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa Đại truy đuổi, bắt giữ. Đơn vị đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính mỗi tàu cá 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các chủ phương tiện viết cam kết không tái phạm.
 
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.829 vụ việc khai thác, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản, trong đó đã xử phạt vi phạm 1.827 vụ, bằng 108% so với năm 2020, với tổng số tiền phạt trên 6,8 tỷ đồng.
 
 
Đồng thời tiến hành tiêu hủy 2 phương tiện vi phạm, 61 kích điện, 492 chiếc lồng bát quái, 362m dây điện, 10 bộ quần áo lặn, 360m ống hơi, 3 súng bắn điện, 2 bộ băng chì, 3 bộ ngư cụ cấm, 5 lưới te, 14 càng gỗ, 2 guốc sắt; tịch thu 15 bộ cào kim loại, 3 cào tay, xử lý 10 vụ lưới đăng với 9.000m, tiêu hủy 71 tấn ốc điếu; tịch thu tiêu hủy 2 tàu cá; thu giữ 3 tàu cá khai thác hải sản.
 
 
Tại một số vùng biển tại Vân Đồn, Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh có thể dễ dàng bắt gặp những con tàu cá được trang bị ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản. Các phương tiện này tranh thủ không có sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tiến hành khai thác, đánh bắt các loài thủy sản. Nhiều tàu dùng lưới te, kích điện khai thác, đánh bắt tận diệt những loại tôm, cá có kích thước nhỏ…
 
 
Năm 2021, Hải Đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 12 lượt đội tàu, 19 lượt xuồng với 138 cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển trên địa bàn toàn tỉnh, đơn vị đã phát hiện, xử lý 105 vụ việc với 109 phương tiện vi phạm trong khai thác, đánh bắt thủy sản, chiếm đến 50% tổng số vụ việc vi phạm do Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện trong năm 2021.
 
 
Các phương tiện được đơn vị phát hiện, xử lý chủ yếu sử dụng lưới te, lồng bát quái, xung điện, giã cào để thực hiện khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Hành vi của các chủ phương tiện khai thác rất tinh vi, nếu phát hiện thấy lực lượng chức năng tiếp cận là sẵn sàng tiêu hủy tang vật xuống biển và thông tin liên lạc cho những phương tiện lân cận tìm cách lẩn tránh, trốn…
 
 
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video clip một nam thanh niên dùng kích điện đặt trên thuyền để giật chết rất nhiều cá chép khi đến mùa sinh sản. Người này cho biết, bằng cách này có ngày đã đánh bắt được hàng tạ cá, đem tiêu thụ cho các nhà hàng, gây bức xúc trong xã hội, nhiều ý kiến lên án đây là hành vi tận diệt thủy sản, nhất là trong mùa sinh sản của cá. Thậm chí trên youtube hiện nay tràn lan các video clip khoe "chiến tích" đi kích điện bắt cá, hướng dẫn kích điện để được nhiều cá tôm hoặc rao bán các dụng cụ, bộ kích điện,… thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
 
 
Hiện, toàn tỉnh Bình Định còn 1.407 chiếc tàu dưới 20CV chuyên khai thác gần bờ, chủ yếu tại các vùng đầm, vùng biển ven bờ. Trong đó, tàu hành nghề lưới rê có 340 chiếc, tàu hành nghề câu nhỏ có 177 chiếc, tàu hành nghề lưới lồng có 284 chiếc, còn lại 606 chiếc làm các nghề khác. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong số những tàu đánh bắt gần bờ mang tính tận diệt, nhóm tàu hành nghề giã cào và tàu sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác là gây hại đến nguồn lợi thủy sản lớn nhất và khó ngăn chặn nhất.
 
 
Ngư dân các làng chài đánh bắt thủy sản bằng những nghề truyền thống bị “mất chén cơm” cũng do những đối tượng nói trên. Theo quy định, nghề giã cào nhỏ không được hoạt động gần bờ mà phải đánh bắt ở vùng biển cách bờ 6 hải lý. Những tàu hành nghề giã cào có công suất trên 90CV chỉ được đánh bắt tận vùng khơi. Tuy nhiên, hiện nhiều tàu hành nghề giã cào cả lớn cả nhỏ vẫn lén lút hoạt động ven bờ. Đây là mối lo lớn của ngành chức năng ở Bình Định, bởi, đó chính là những 'sát thủ' có sức hủy hoại lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.
 
 
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 tàu hành nghề giã cào, tập trung ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ là những địa phương ven biển. Còn những tàu sử dụng xung điện, xiếc máy hoạt động trên 3 vùng đầm, gồm: Đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, đầm Đạm Thủy ở huyện Phù Cát và đầm Thị Nại ở thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Trong đó, đầm Thị Nại được mệnh danh là vườn ươm các loài thủy sản.
 
 
Đáng quan ngại là hoạt động của các tàu giã cào rất thiếu minh bạch. Phần nhiều các tàu giã cào hoạt động nhưng không thực hiện đăng ký xuất nhập bến tại các cảng cá để tránh kiểm tra, kiểm soát của Ban quản lý các cảng cá và ngành chức năng. Ví như ở Cảng cá Quy Nhơn hiện có đến 252 tàu giã cào đang hoạt động, trong đó có gần 90 tàu không đăng ký xuất nhập bến.
 
 
Nhiều tàu viết số đăng ký không đúng. Vi phạm phổ biến của các tàu giã cào hoạt động ở vùng biển Quy Nhơn là không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng khi vào cảng bán sản phẩm. Những tàu có chiều dài từ 12m trở lên thì chỉ đăng ký xuất nhập bến chứ không thực hiện việc ghi nộp nhật ký khai thác.
 
 
Những tàu giã cào chưa đầy đủ giấy tờ sau chuyến khai thác, cập bờ bán sản phẩm thường ra vào cảng vào giữa đêm, không chấp hành quy định báo trước cho đơn vị chức năng trước 1 giờ đồng hồ; thậm chí không đăng ký xuất nhập bến tại các cảng cá để tránh kiểm tra, kiểm soát của Ban quản lý cảng cá và ngành chức năng.
 
 
Bên cạnh đó, nạn sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản trên các vùng đầm vẫn tồn tại. Bà con cho biết, lợi nhuận của việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện, xiếc máy và giã cào là khá cao, mỗi chuyến đánh bắt mỗi ghe có thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Do đó, những người chuyên làm nghề này bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng và khuyến cáo của chính quyền địa phương, cứ ngang nhiên vi phạm.
 
 
Hiện nay, do cơ quan chức năng tập trung xử lý các trường hợp sử dụng nguồn điện đánh bắt thủy sản nên số lượng người hành nghề kích điện trên địa bàn giảm, không còn công khai, rầm rộ như trước; nhờ đó nguồn thủy sản đã dần được phục hồi. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đã được hoàn thiện với các chế tài xử lý phù hợp như: Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi "sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản".
 
 
Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại Điều 28 về "vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản" quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 - 50 triệu đồng. Thậm chí tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản" theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức tiền phạt từ 50 - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 
 
Hủy hoại nguồn lợi thủy sản được hiểu là hành vi: Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dùng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thủy sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ; vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
 
Tuy nhiên, để đối phó và tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng chuyển sang hoạt động vào ban đêm, khi bị phát hiện thì không hợp tác thậm chí là chống đối, sử dụng bộ kích điện để chống người thi hành công vụ. Có trường hợp, chấp nhận bị tịch thu "đồ nghề" hoặc cố ý hủy hoại chứng cứ, nhưng vì do hiện nay giá thành của bộ kích điện trên thị trường rất rẻ, các bộ phận khác dễ chế tạo nên chỉ một thời gian ngắn sau lại có thể tái phạm.
 
 
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, không tận diệt các loài thủy sản bằng các biện pháp đánh bắt như kích điện, tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định của pháp luật.
Trọng Đoàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn