Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…
Tại làng nghề làm miến, bánh kẹo xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, các hộ tự sản xuất, sơ chế các nguyên liệu như bột sắn để cung cấp cho các nhà máy sản xuất bánh kẹo. Theo đó, bột sắn được ngâm, lọc nhiều lần. Tuy nhiên, trong quá trình sơ chế, chất thải từ việc ngâm, lọc, nghiền bột chưa qua xử lý được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, gần như không thể khơi thông vì quá tốn kém chi phí. Một số hộ đề nghị tự xử lý cống rãnh nên việc tập trung xử lý diện rộng bị gián đoạn dẫn đến chưa thể xử lý được. Do quá tải, chất thải ứ đọng lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Dọc trục đường chính vào thôn, những giá miến được phơi kín ven đường, khói, bụi do các phương tiện đi qua khiến miến bị bám bẩn. Bên cạnh đó, nằm ngay trong khu dân cư thuộc đội 12B dọc theo tuyến đường liên thôn là bãi rác sinh hoạt ngập rác thải nilon, vỏ bánh kẹo từ các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hay làng nghề nón - xã Phú Châu, huyện Ba Vì có hàng nghìn hộ tham gia trực tiếp sản xuất và hàng chục hộ chuyên thu mua nón để bán đi khắp mọi miền. Tất cả đều cần đến lưu huỳnh (diêm sinh) để xử lý hồ (xông) nón. Lá nón mua về nếu để khoảng 10 ngày gặp thời tiết nồm sẽ bị mốc, úa nếu không được hồ bằng lưu huỳnh; nón may xong rồi chưa kịp tiêu thụ, để lâu trong nhà cũng phải được hồ thì mới đảm bảo trắng đẹp. Lượng lưu huỳnh sử dụng mỗi năm lên đến hàng tấn, gây ra nhiều nguy cơ bệnh về đường hô hấp.
Làng nghề Thụy Ứng - xã Hòa Bình, huyện Thường Tín nổi tiếng từ hàng chục năm nay với nghề chế tác xương, sừng và da trâu bò làm giày, dép da, dây lưng, ví da, túi xách, lược… Nguyên liệu gồm: Lông, da, xương và sừng trâu, bò đều được nhập từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Da trâu, bò sau khi thu gom về sẽ được làm sạch và ướp muối. Quá trình ướp lâu ngày, da trâu, bò rỉ nước và bốc mùi vô cùng khó chịu, gây ô nhiễm không khí. Chưa hết, quá trình sơ chế da trâu bò, một lượng lớn nước muối mặn chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường. Hệ quả là hệ thống nước mặt ao hồ bị nhiễm mặn nặng, nhiều thửa ruộng không thể canh tác, phải để hoang…
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…
Nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến hết năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định và tổng hợp báo cáo về UBND thành phố. Báo cáo tổng hợp là căn cứ để UBND thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường toàn bộ làng nghề còn lại trên địa bàn, tiến tới mục tiêu 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. |
Giai đoạn 2021 – 2025, UBND thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
Hiện UBND thành phố đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm... góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương này.
Ngoài ra, UBND thành phố đã giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025 và nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm…
Mặt khác, nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, thành phố Hà Nội đã thành lập nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã có khoảng 30/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.