Phú Thọ: Tập trung xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường
15:33 - 27/05/2022
(MTNT)- Với mong muốn để đẩy mạnh tuyên truyền “vì một nền nông nghiệp an toàn; bền vững; môi trường nông thôn  xanh - sạch - đẹp” tới hội viên nông dân trong tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông  thôn mới và các phong trào thi đua của nông dân trong toàn tỉnh, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú. 
Hội ND Phú Thọ xây dựng được 195 mô hình “Sạch đồng, tốt ruộng, đẹp quê hương”
 
Trong đó, Hội đã tổ chức triển khai thực hiện một số đề tài khoa học như : “Mô hình nghiên cứu ứng dụng chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp xử lý chất thải bằng men vi sinh”. Thông qua đề tài, nhằm  góp phần nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong sản xuất chăn nuôi gà và khai thác hiệu quả tốt nhất  các giá trị của việc chuyển giao, ứng dụng Khoa học và Công nghệ mới phục vụ sản xuất,  góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 


Hay Đề tài “Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các cấp Hội  Nông dân trong tỉnh Vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn  xanh - sạch - đẹp”. Để thực hiện đề tài trên Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khảo sát tại 4 huyện, thành, thị và tổng  hợp ý kiến của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, hội viên về nhận thức vị trí, vai trò của  khoa học công nghệ đối với sản xuất và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân.


Khảo sát thực trạng công tác tuyên truyền chuyển giao khoa học công nghệ tới nông dân: các  kênh tuyên truyền chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới vì một nền nông  nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.


Thông qua đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu  quả của các cấp Hội Nông dân trong việc tuyên truyền hội viên, nông dân giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đi đầu trong việc áp dụng các  tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, môi  trường nông thôn xanh, sạch, đẹp để nhân ra diện rộng áp dụng vào các xã, phường, thị  trấn trong toàn tỉnh. 

 
Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình "Tiếng kẻng vệ sinh môi trường", "Bể  nước môi trường", "Sạch đồng", tiêu chí ánh sáng với mô hình "Ánh sáng quê tôi", mô  hình "Nhà sạch, vườn xanh", Phát động phong trào thi đua, xây dựng tổ tự quản của  nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn với các chủ đề “Sạch từ nhà ra ngõ”, xây dựng 195 mô hình “Sạch đồng, tốt ruộng, đẹp quê hương”, lắp đặt và sửa chữa  2.252 bóng đèn chiếu sáng, xây thêm được 224 bể lắng. 
 

Điển hình đơn vị làm tốt như Hội Nông dân huyện Phù Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ điểm lớn về môi trường như hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...


Hàng năm các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình “đoạn đường nông dân tự quản”, “thắp sáng làng quê”, “con đường hoa”…


Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.


Đi đôi tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, hàng năm Hội Nông dân huyện đưa chỉ tiêu “xây dựng mô hình Hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn” thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại cơ sở Hội hàng năm. 

 
Từ đó Hội nông dân các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức cho các chi, tổ hội đăng ký các chỉ tiêu như: không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn; giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến các chi hội và căn cứ tình hình thực tế ở địa phương lựa chọn mô hình cho phù hợp; Xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát động thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nhằm tạo phong trào tham gia hưởng ứng, duy trì việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa hoặc tập kết tại nơi quy định, phục vụ công tác vận chuyển, xử lý theo quy trình bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.

 
Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 14/17 xã, thị trấn được hỗ trợ xây dựng 344 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, những bể thu gom được đặt ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho bà con; Hội Nông dân cơ sở phối hợp với các Tổ khuyến nông cơ sở, HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV thực hiện thu gom bao bì vào bể chứa theo quy định, không vứt bừa bãi gây phát tán tàn dư thuốc BVTV ra môi trường.

         
Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên xây dựng “đoạn đường 3 sạch”, con đường hoa, trồng cây xanh, hoa, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, tạo vẻ mỹ quan sạch đẹp cho đường làng ngõ xóm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn hội viên, nông dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi, sản xuất thân thiện với môi trường như: làm hầm biogas; phân loại rác, khai thông cống rãnh; vận động các gia đình trồng và chăm sóc cây xanh, không vứt rác thải thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trên các cụm, tuyến dân cư.......
 

Trong năm 2020, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp mở được 17 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức về nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn, về ứng phó với biến đổi khí hậu với 765 lượt người tham dự; toàn huyện có 17 mô hình về nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn; có 6542 công trình cấp nước sạch và nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.


Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức BVMT; thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình; thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình “đoạn đường nông dân tự quản”, “thắp sáng làng quê”, “con đường hoa”... để từ đó hội viên, nông dân dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp.
 

Quốc Khang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn