Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn
16:37 - 06/04/2022
(MTNT) - Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VI) về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và  chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”giai đoạn 2014 – 2020 nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết được các cấp Hội Nông dân tích cực tổ chức 
 



 Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội chủ trì, phối hợp xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể ở từng vùng, miền, tập quán sinh hoạt, canh tác ở địa phương, mang lại hiệu quả rõ rệt, có thể nhân rộng, được cấp ủy, chính quyền, các ngành và người dân ghi nhận như: Mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Thùng rác thân thiện với môi trường”, “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”,“Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”;...Mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”,“Tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị”,“Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”,“Trồng cây phân tán trên các tuyến kênh chống gió, bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu”, “Tuyến đường nông dân tự quản”…Một số hoạt động về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu gom rác thải theo quy định đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.


Ở Trung ương, sau khi Nghị quyết được ban hành Ban Thường vụ Trung ương Hội đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết đến các cấp Hội.


Trung ương Hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Chương trình phối hợp số 48/2017/CTPH-HND-BTNMT ngày 22/12/2017 về “Phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023 chỉ đạo các tỉnh, thành Hội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ký chương trình phối hợp để triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết phù hợp tình hình, điều kiện cụ thể ở các địa phương.

 
Trọng tâm là phối hợp thực hiện có hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đề ra chỉ tiêu về môi trường: “Có 100% cơ sở Hội làm tốt công tác vận động, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xây dựng được ít nhất 01 môi hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.


Hằng năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành kế hoạch về bảo vệ môi trường, giao Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững Trung ương Hội phối hợp, hướng dẫnHội Nông dân các tỉnh, thành phố thực hiện.


Trung ương Hội biên soạn các tài liệu hướng dẫn thực hiện các nội dung của Nghị quyết, kế hoạch hằng năm của Trung ương Hội. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp Hội ở các địa phương.


Ở địa phương, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Khoa học và Công nghệ chọn nội dung, xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện hàng năm về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt kinh phí để tổ chức, triển khai thực hiện.


Công tác phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết được các cấp Hội Nông dân tổ chức triển khai thực hiện thông qua các hội nghị ban chấp hành Hội Nông dân các cấp và thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội đến cán bộ, hội viên, nông dân.


Trên cơ sở kế hoạch hàng năm của Trung ương Hội và các cấp Hội ở địa phương, Chương trình phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các nội dung của Nghị quyết được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, hội viên, nông dân thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội nghị tập huấn, xây dựng mô hình, tổ chức phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường; thông qua các hội nghị tổng kết và triển khai công tác Hội và phong trào nông dân hằng năm.


Các cơ quan thông tin, truyền thông của Hội thường xuyên đăng tải các nội dung về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững theo tinh thần của Nghị quyết, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, hội viên, nông dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết.

 
Đối với công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao năng lực, trách nhiệm về bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn (2014-2020) Hội Nông dân các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ trươngcủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcvà của Hội về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 
Tập trung tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước…chủ trương, chính sách của các địa phương; Nghị quyết và các hoạt động của Hội tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, để cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn, bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống.


Nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn được các cấp Hội tổ chức thông qua các lớp tập huấn, tư liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), các cuộc thi viết, tìm hiểu pháp luật về môi trường, các cuộc vận động tham gia các sự kiện lớn về môi trường.


Hội phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương như Đài truyền hình Việt Nam, Báo Tài nguyên và môi trường, Tạp chí Môi trường, Tạp chí Công Thương, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Sức khỏe và môi trường, Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí nông thôn  mới, Cổng thông tin của Hội, Bản tin của các tỉnh, thành Hội đăng tải hơn 20 phóng sự, nhiều chuyên trang, chuyên mục, 39.586 tin, bài phản ánh các hoạt động của Hội và phong trào nông dân trong bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các chuyên gia về môi trường biên soạn và in 127.512 tài liệu phổ biến kiến thức, pháp luật và những mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; phát hành 3.266.258 tờ gấp các loại hướng dẫn sử dụng nước sạch, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hướng dẫn tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường để phát đến tận tay cán bộ, hội viên nông dân thực hiện và ứng dụng.

 
Đồng thời chỉ đạo và hỗ trợ 19 tỉnh tổ chức Thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường”ở 3 cấp, xã, huyện, tỉnh. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả, tích cực, có sức lan tỏa.


Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi trường”;“Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường” theo hình thức sân khấu hóađược 262.796 cuộc.


 Điển hình là các tỉnh, thành: Bình Thuận 144.904 cuộc, Tuyên Quang 26.047 cuộc, Hà Giang 21.557,Bến Tre 20.505 cuộc, lai Châu 7.412 cuộc, Quảng Nam 3.590 cuộc.


Trung ương Hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức 08 cuộc mít tinh cấp Trung ương, điển hình tổ chức mít tinh Tuần Lễ quốc gia nước sạch và môi trường thế giới, Ngày Môi trường Thế giới tại các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh… với mỗi cuộc có hàng ngàn các bộ hội viên, nông dân tham dự.


Hội vận động cán bộ hội viên nông dân ra quân hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hòa Bình được cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia và có trách nhiệm trong việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đất, sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch, sử dụng phân bón… góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.


Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho trên 11,9 triệu lượt hội viên nông dân, đạt 130,3% mục tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.



 
Hà My
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn