Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
09:42 - 02/11/2021
(MTNT) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học được giảm thiểu và thay thế dần bằng các loại phân hữu cơ 



Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.


Theo quan niệm mới, sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ là không được dùng thái quá hóa chất tổng hợp như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, vật liệu biến đổi gen mà là ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên. 


Công nghệ phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cân đối của cây trồng, vừa duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.


Hiện, diện tích gieo trồng cây hàng năm của thành phố Hà Nội trung bình khoảng 244.560ha, trong đó, diện tích trồng lúa chiếm trên 171.700ha, rau các loại 33.851ha, ngô 15.602ha.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với HTX tập trung tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, khuyến khích bà con áp dụng mô hình "3 giảm, 3 tăng" trong trồng trọt (giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, giảm phân bón vô cơ, tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế).


Triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm đồng ruộng làm phân bón cho cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, xây dựng mô hình nông nghiệp không chất thải...


Nhằm hạn chế thuốc BVTV, rác thải nông nghiệp, thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 137 về việc "Duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".


 Theo đó, thành phố chỉ đạo ngành nông nghiệp mở rộng thêm từ 3.000-4.000 ha sản xuất rau an toàn, với giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.


Đồng thời, việc thực hiện Chương trình phối hợp, nhiều mô hình hợp tác xã chuyên sâu trong bảo vệ môi trường đã được thành lập với các hợp tác xã môi trường, hợp tác xã thu gom và xử lý rác thải, hợp tác xã nước sạch nông thôn, hợp tác xã trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường.


Những năm qua, người dân xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, phát triển mạnh các loại cây rau màu như dưa chuột, rau cải, su hào, bắp cải...


Trước kia việc sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mức; tuy nhiên, từ sau khi triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất và xây dựng thương hiệu rau an toàn theo quy trình VietGAP”, nhận thức của bà con nông dân trong xã dần thay đổi. Việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học được giảm thiểu và thay thế dần bằng các loại phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.


 Hiện, xã đã xây dựng được vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 6 ha. Việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả thiết thực đối với bà con nông dân, vừa tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.


Canh tác, sản xuất rau màu theo quy trình VietGAP đã giúp nông dân giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó, tiết kiệm được chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe, môi trường.


Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được hàng trăm vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích gần 3.000 ha. Tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh đều được khuyến cáo để giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các thuốc ngoài danh mục, đồng thời, hướng nông dân dần chuyển đổi sang phương thức canh tác, chăn nuôi hữu cơ, sinh học. Hoạt động sản xuất rau, quả an toàn hiện còn có sự tham gia đầu tư của nhiều đơn vị, HTX, doanh nghiệp, như: Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, HTX rau an toàn Hoằng Hợp, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36.


Sự thành công của các mô hình, dự án cũng như sự đón nhận tích cực từ phía người tiêu dùng đối với rau, quả an toàn không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân mà còn cho thấy việc gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu cần triển khai.


Mô hình nông nghiệp hữu cơ được UBND tỉnh Bạc Liêu và ngành nông nghiệp quan tâm phát triển từ những năm 2010 mà tiêu biểu là mô hình tôm - lúa hữu cơ và mô hình tôm - rừng.


Gần đây, địa phương tiếp tục xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ, xem đó là nhu cầu cần thiết và cấp bách, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ở 2 nhóm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đó là mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua, cá (Dự án WB9) với quy mô 80ha được triển khai tại các xã: Định Thành, An Trạch, An Trạch A và xã An Phúc (huyện Đông Hải).


Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.


Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích cũng như tạo điều kiện để bà con nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.


 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.


 Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.



 
Bùi Nhuần
 



Nguồn:
https://vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/nhan-rong-mo-hinh-htx-nong-nghiep-gan-voi-bao-ve-moi-truong-1078981.html
https://dangcongsan.vn/kinh-te/ky-5-nong-nghiep-huu-co-nhu-cau-tat-yeu-cho-phat-trien-ben-vung-588831.html
https://baothanhhoa.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-bao-ve-moi-truong/126998.htm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn