Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV
15:07 - 23/09/2021
(MTNT)- Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là bài toán nan giải ở nước ta suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều loại thuốc BVTV sinh học hoặc nguồn gốc sinh học rất an toàn cho môi trường nhưng do tác dụng chậm nên ít được sử dụng.


Theo các nhà khoa học, nếu không có tác động của các biện pháp BVTV, sâu bệnh hại và cỏ dại thì năng suất cây trồng có thể giảm tới 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, dẫn tới nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.
 
 
Trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 400-600 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất. Theo báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020 cả nước nhập khẩu 3.129 lô thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV với tổng khối lượng 49.262,38 tấn, giá trị nhập khẩu đạt trên 432 triệu USD.
 
 
Hiện danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng quá lớn. Cụ thể, khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV (trong đó gần 400 hoạt chất đơn, còn lại là hoạt chất hỗn hợp). Các danh mục thuốc BVTV của Việt Nam có 4.068 sản phẩm, trong đó có gần 1.000 sản phẩm có nguồn gốc sinh học và khoảng 400 loại thuốc BVTV khác có các hoạt chất thuộc thế hệ mới. Bộ thuốc BVTV hiện nay của Việt Nam được các nước trong khối ASEAN và các nước phát triển đánh giá là khá chuẩn. Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, cà phê cũng có tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây.
 
 
Tuy nhiên, với hơn 10 triệu nông hộ với quy mô rất nhỏ, lẻ ở nước ta thì việc tiếp cận đến toàn bộ người nông dân để hướng dẫn các kiến thức về nông học và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) là một thách thức, không những đối với cơ quan nhà nước mà cả các công ty trong lĩnh vực thuốc BVTV.
 
 
Bên cạnh đó, hiện trên thị trường vẫn tồn tại một thực trạng khá nhức nhối gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản cũng như môi trường là hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của thuốc BVTV và một bộ phận kinh doanh không chân chính đã đưa những sản phẩm này ra thị trường làm ảnh hưởng đến người nông dân, đến các nhà sản xuất thuốc BVTV chân chính.
 
 
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh thiếu cơ sở vật chất, không có kinh nghiệm, kinh doanh thuốc trừ sâu, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc… cũng là những nguyên nhân khiến người dân sủ dụng thuốc vô tội vạ, thiếu khoa học, tiềm ẩn gây nguy hại đến môi trường.
 
 
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 55 mẫu thuốc BVTV để kiểm tra. Kết quả phát hiện 6 tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi sản xuất, buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng (9/16 thuốc BVTV). Báo cáo tổng hợp từ Chi cục Bảo vệ thực vật của các địa phương cũng cho thấy, qua kiểm tra đối với 780 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV trong năm 2020 đã phát hiện 230 cơ sở vi phạm.
 
 
Việc lạm dụng thuốc BVTV là mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Dư lượng thuốc BVTV trên nông sản sẽ làm ngộ độc người sử dụng, giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Theo đó, dư lượng thuốc BVTV trên nông sản và trong môi trường (đất, nước, không khí) sẽ tham gia vào chuỗi thức ăn của con người. Chúng có thể tác động ngay lập tức, tiềm ẩn hoặc tích lũy theo thời gian tới sức khỏe của con người. Một số loại hóa chất BVTV và hợp chất của chúng qua xét nghiệm cho thấy có thể gây quái thai và bệnh ung thư cho con người.
 
 
Ngoài ra, lạm dụng thuốc BVTV sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh và làm ô nhiễm môi trường đất, nước, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn. Trong khi nhiều loại thuốc BVTV sinh học hoặc nguồn gốc sinh học rất an toàn cho môi trường nhưng do tác dụng chậm nên ít được sử dụng.
 
 
Bao bì thuốc BVTV phần lớn có dạng gói, chai lọ nhựa khó phân hủy và sau khi sử dụng vẫn còn tồn đọng một lượng hóa chất, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ dễ bị ngấm theo nguồn nước vào kênh mương, ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, tình trạng vứt bao bì hóa chất BVTV bừa bãi và thói quen rửa bình bơm, dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định sau khi sử dụng diễn ra khá phổ biến đã gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái.
 
 
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hiểu biết của người sử dụng thuốc còn hạn chế. Người nông dân hiện vẫn đang sử dụng thuốc dựa vào thói quen, không ý thức được mức độ nguy hại. Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn quá nhiều, điều kiện kinh doanh lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.
 
 
Để giải quyết vấn nạn này, theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam cần có lộ trình để giảm thiểu lượng thuốc BVTV dùng trên cây trồng, khuyến khích sử dụng các loại thuốc BVTV thân thiện với môi trường, ít độc hại và loại bỏ các loại thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế. Chỉ tính riêng năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã loại bỏ 1.265 hoạt chất của 838 tên thương phẩm thuốc BVTV không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
 
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người kinh doanh, yêu cầu các hộ ký cam kết không bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam; tăng cường kiểm tra và xử phạt theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật. Đồng thời nâng cao và chuyển biến nhận thức của người dân hướng tới sản xuất sạch, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV.
Nhật Quang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn