(MTNT)- Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Và đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
|
Hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: Nước, rác và khí thải. |
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. 60% làng nghề tập trung ở khu vực phía Bắc, 23,6% ở miền trung và miền Nam chiếm khoảng 16,6%.
Hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: Nước, rác và khí thải. Cụ thể, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần. Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như: Chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ...
Điển hình như làng nghề nước mắm An Dương - xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề năm 2014, làng nghề có 25 hộ sản xuất quy mô lớn và gần 100 hộ sản xuất nhỏ lẻ; mỗi năm chế biến 2.000 tấn thủy sản và cho ra sản lượng hơn 2 triệu lít nước mắm/năm.
Lúc cao điểm của sản xuất nước mắm, trung bình làng nghề thu mua 7 - 10 tấn cá/ngày. Cá được các hộ bơm nước rửa sạch, số nước bẩn này chảy lênh láng khắp đường làng, ngõ xóm, gây ra mùi tanh hôi hết sức khó chịu. Mỗi năm làng nghề thải ra môi trường hàng chục ngàn khối nước thải chế biến như vậy. Số lượng nước này không được xử lý tập trung mà trực tiếp chảy ra khắp đường làng ngõ xóm. Với phương châm “mạnh ai nấy thải” nên đường làng của xã Phú Thuận luôn lênh láng nước bẩn bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hay như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân - xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), từ hoạt động hộ gia đình, nhỏ lẻ, sau hơn chục năm phát triển, đến nay làng nghề đã phát triển thành đại công trường gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều doanh nghiệp đưa máy móc vào để tăng năng suất lao động. Bên cạnh những sản phẩm vẫn còn đục đẽo bằng tay, đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ công nghệ, máy móc hiện đại, nhanh - đẹp - rẻ hơn. Theo quy định, nếu là hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề sẽ được miễn trừ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường và nhiều ưu đãi khác. Khi đã là doanh nghiệp thì phải chịu các chi phí bắt buộc nên hàng trăm doanh nghiệp ở làng nghề Ninh Vân vẫn đang dựa hơi vào làng nghề truyền thống, không muốn chịu mất chi phí.
Sự nhập nhằng trong việc định danh làng nghề và những lợi ích từ việc nhập nhằng ấy đang được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tận dụng triệt để, gây khó cho cơ quan quản lý. Đặc biệt, những làng sản xuất không phải làng nghề truyền thống gây ô nhiễm nhiều nhất. Hiện có không ít làng đã “biến tướng” và nhập nhèm giữa làng nghề và làng có nghề như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng thép Đa Hội - thị xã Từ Sơn) và làng tái chế giấy Phong Khê - thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã thành lập hàng trăm doanh nghiệp. Thậm chí, Đồng Kỵ từ chục năm qua được mệnh là “làng doanh nghiệp” cũng chưa quan tâm nhiều đến môi trường. Điều dễ nhận thấy là trái ngược với sự phát triển thì lượng khói bụi, khí độc đều vượt mức cho phép, nguồn nước, rác thải nhiều năm qua không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nặng cho các dòng sông chảy qua làng.
Một thực trạng khác là tại hầu hết cụm công nghiệp làng nghề, cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống đường giao thông nội bộ đơn giản… ít thấy các hạng mục, công trình về bảo vệ môi trường. Chưa kể, việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng không được thường xuyên dẫn tới việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình như cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh); mây tre đan Trường Yên (Hà Nội).
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường… Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, do không nhận thức được tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại nhằm hạ giá thành sản phẩm, làm chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi.
Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt. Lực lượng cán bộ làm công tác môi trường các cấp còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về trình độ.
Vai trò và trách nhiệm trong việc BVMT làng nghề giữa các Bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT) và giữa Bộ, ngành với địa phương còn chưa rõ ràng. Theo phân cấp, hiện nay, làng nghề đang phải chịu sự quản lý của quá nhiều cấp ngành chuyên môn: Sở NN&PTNT quản lý về ngành nghề, lao động; Sở Công thương quản lý về cụm khu công nghiệp làng nghề và tiêu thụ sản phẩm; Sở Xây dựng quản lý về xây dựng hạ tầng xử lý chất thải; Sở TN&MT quản lý về môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý về du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về văn hóa.
Đồng thời, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tuy đã được xây dựng nhiều, nhưng vẫn chưa tính đầy đủ những yếu tố đặc thù và khách quan đối với làng nghề nên tác dụng, hiệu lực một số văn bản còn thấp.
Làng nghề là một phần quan trọng của nông thôn, kinh tế và văn hóa Việt Nam. Sản phẩm từ các làng nghề không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà đã đi tới hơn 160 quốc gia trên thế giới, ước tính mang về khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Việc “giải cứu” làng nghề khỏi tình trạng ô nhiễm là một vấn đề cấp thiết của các nhà quản lý hiện nay.
Nhiều chuyên gia môi trường nhấn mạnh, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, quản lý môi trường làng nghề phải dựa vào cộng đồng. Theo đó việc xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm và thực hiện hiệu quả có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường. Do vậy, các cơ quan chức năng và địa phương cần tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề, gắn hoạt động bảo vệ, quản lý môi trường làng nghề với việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới và khuyến khích người dân làng nghề áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch...