Bảo vệ môi trường làng nghề
14:51 - 01/10/2021
(MTNT) – Hiện nay, các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng báo động, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ðối với các làng nghề cần tập trung xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; vận động khuyến khích các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường


 
Với 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc, miền Trung chiếm khoảng 23,6% và miền Nam chiếm khoảng 16,6%. Hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường luôn diễn ra.

 
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận.
 

Có 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.
 

Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn.


Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ.


Theo nhận định của giới chuyên gia, các sản phẩm của làng nghề hiện nay không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Các sản phẩm làng nghề đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới phải kể đến hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, lụa tơ tằm.


Tại các vùng nông thôn đồng bằng, hiện có khoảng trên 10 triệu lao động hoạt động ngành nghề phi nông nghiệp, chiếm 29.4% lực lượng lao động nông thôn. Ở các hộ bình quân có 3-4 lao động thường xuyên và 2-5 lao động thời vụ.


 Nhiều làng nghề đã thu hút trên 60% số lao động vào các hoạt động ngành nghề, trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, dệt Thụy Phương.


Các ngành nghề nông thôn phát triển còn kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ liên quan, tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động.


Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các làng nghề đang vấp phải những khó khăn mà xu thế hội nhập đặt ra. Đơn cử như vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động.


Hiện còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún, hoạt động tự phát thiếu kỹ năng về xử lý chất thải chính là những thách thức lớn cho hoạt động của các làng nghề hiện nay. Hầu hết các làng nghề hiện nay trên cả nước đều chung tình trạng ô nhiễm môi trường. 


Tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), nơi đã nổi lên thương hiệu “lụa Vạn Phúc” nhiều thập kỷ nay, song tình trạng hoạt động thiếu thân thiện với môi trường cũng đang là vấn đề nổi cộm của làng nghề này.


Các hộ dân làm dệt nhuộm ở đây vẫn hàng ngày thải ra môi trường một lượng nước thải có hàm lượng cặn lớn, nhưng hầu hết lại không được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng trở nên nghiêm trọng.


Xã Phú Yên được biết đến là làng nghề da giày truyền thống của Hà Nội. Xã hiện có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động trong và ngoài xã.


Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường trung bình 10 triệu đôi giày dép, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Phú Yên luôn nhức nhối.


Việc xử lý rác thải kém hiệu quả, từ vải và da vụn thải ra trong quá trình sản xuất đến tình trạng đổ trộm rác... khiến cho đường làng ngõ xóm, kênh mương lúc nào cũng bừa bộn rác. Thêm vào đó, việc đốt rác thải lộ thiên làm cho tình trạng ô nhiễm không khí luôn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường.

 
Tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự cũng thường xuyên diễn ra tại xã Sơn Hà, nơi có nghề tết võng dù, gia công đồ thủ công mỹ nghệ như túi xách, ba-lô, ví da. Mặc dù việc thu gom rác thải do công ty môi trường đảm nhận nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý quá lớn của địa phương.
 

Để giải quyết tình trạng trên thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.


Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.


Để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch lang nghề gắn với bảo vệ môi trường.


Đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi thực tế hiện nay đa số làng nghề đều tập trung ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.


Vì vậy, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, các khu vực này phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường.


Việc quy hoạch cần căn cứ vào đặc điểm của từng làng nghề để có phương án phù hợp. Với những làng nghề có quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, mới hình thành có thể quy hoạch tập trung, di dời toàn bộ ra khỏi khu vực dân cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như giao thông, hệ thống điện, nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải và các khu sản xuất phù hợp với đặc thù của từng làng nghề.


Với những làng nghề truyền thống lâu đời, sản xuất quy mô lớn cần phải tổ chức bố trí cải thiện được điều kiện sản xuất, vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng để lưu giữ được nét truyền thống của làng nghề.


Các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá môi trường làng nghề. Đối với các dự án sản xuất phải có đánh giá tác động môi trường và kiểm tra trước khi đi vào hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, đình chỉ hoạt động sản xuất với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.


Ngoài ra, các địa phương phải chú trọng đến xây dựng các lang nghề sạch, cần xây dựng vùng nguyên liệu sạch và khuyến khích các làng nghề sản xuất sạch hơn. Đồng thời, cần giữ gìn và phát huy những sản phẩm có giá trị văn hóa, truyền thống như vẽ tay trên sản phẩm gốm sứ hay đan tay.


Bên cạnh đó, cần đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào trong quá trình sản xuất; cần đẩy mạnh thay đổi công nghệ, thiết bị theo hướng gia tăng tỷ lệ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, giảm tỷ lệ công nghệ, thiết bị lạc hậu trong các làng nghề.


 Để làm được điều này, Nhà nước, các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề đầu tư đổi mới ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, ưu tiên lựa chọn các công nghệ, thiết bị giúp giảm thiểu hoặc khắc phục ô nhiễm. 


Do đó, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, các khu vực này phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường.





Bình Vui




 Nguồn:
https://baotainguyenmoitruong.vn/de-lang-nghe-phat-trien-ben-vung-331126.html https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/giai-bai-toan-phat-trien-lang-nghe-khong-gay-o-nhiem-moi-truong.html
http://daidoanket.vn/bao-dong-o-nhiem-lang-nghe-468255.html http://vmha.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/ha-noi--tap-trung-dau-tu-bao-ve-moi-truong-lang-nghe-hieu-qua-10210.html

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn