|
Công tác xử lý, thu gom rác thải nông thôn được triển khai, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới |
Các ban, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh Yên Bái luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải nông thôn. Công tác xử lý, thu gom rác thải nông thôn được triển khai, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù vậy, với tốc độ đô thi hóa nhanh như hiện nay, lượng rác thải nông thôn thải ra môi trường ngày càng nhiều; trong khi đó, mặc dù toàn tỉnh có một số xã quy hoạch được bãi chôn lấp nhưng những bãi rác này chỉ giải quyết được tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ra sông, suối của người dân.
Việc xử lý thủ công bằng biện pháp đốt và chôn lấp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và lâu dần nếu không có biện pháp xử lý sẽ biến những bãi rác này trở thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên cơ sở đó, nhiều xã, thị trấn đã quy hoạch, xây dựng các bãi tập kết rác thải tập trung; đồng thời, thành lập các tổ thu gom rác thải tại các tuyến đường chính.
Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt còn hạn chế, khiến công tác xử lý rác thải tại những nơi này còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2311 về việc thực hiện "Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với mục tiêu, đến năm 2025, có 80% lượng chất thải phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu môi trường; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được đóng cửa và cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã; khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường.
Các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chung tay bảo vệ môi trường.
Hội đã vận động gần 13.400 lượt nông dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng hạ tầng nông thôn.
Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND thành phố tiếp tục duy trì tốt hoạt động thu gom bao bì bảo vệ thực vật. Đồng thời, triển khai thêm 2 nội dung mới là thu gom rác thải nhựa, túi nilon tại đồng ruộng, khu vực kênh mương; phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp và rác sinh hoạt hữu cơ thành phân bón.
Các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố đã duy trì khá tốt việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thu gom bao bì bảo vệ thực vật ở các cánh đồng.
Việc triển khai thêm nội dung mới đó rất thiết thực, ý nghĩa nhằm mục tiêu kép vừa giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, giúp nông dân có nguồn phân bón hữu cơ, tạo môi trường sản xuất an toàn.
Hội ND thành phố đã chỉ đạo Hội ND phường Ỷ La triển khai mô hình điểm - Mô hình Chi Hội Nông Dân tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn” tại tổ 5, phường Ỷ La.
Trên cơ sở đó, Hội sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả, điều chỉnh quy chế hoạt động phù hợp, theo hướng thiết thực, duy trì hiệu quả mô hình để nhân rộng ra các xã, phường còn lại, trong đó khuyến khích triển khai ở các vùng chuyên canh trồng rau, hoa ở các phường trên địa bàn.
Tuy mới triển khai nhưng mô hình Chi Hội Nông Dân tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn” tại tổ 5, phường Ỷ La bước đầu đã đáp ứng đúng nguyện vọng chung của hội viên, nông dân.
Các Tổ tự quản cùng đoàn kết chung tay thực hiện tốt việc tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình nêu cao ý thức trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, thu gom bao bì để vào bể chứa theo quy định. 100% thành viên cam kết không sử dụng thuốc trừ cỏ và chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp.
Các thành viên thống nhất lắp đặt 2 bể chứa ủ rác hữu cơ, mọi người cùng trách nhiệm mang cỏ, rác hữu cơ ra ủ tạo phân bón hữu cơ. Hàng năm, các thành viên thực hiện ít nhất 2 đợt tổ chức phát dọn đường nội đồng.
Nhằm tạo sự chuyển biến, đột phá trong công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể, đột phá về công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị và vùng nông thôn.
Tại các thôn, bản xa trung tâm xã chưa tổ chức thu gom rác thải tập trung, người dân tự thu gom và xử lý rác thải trong khuôn viên gia đình. Công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn nhiều bất cập do khó khăn về kinh phí và phương tiện vận chuyển, tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 50%.
UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch, quyết định, chỉ thị và hướng dẫn các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố về công tác quản lý môi trường, triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; chỉ đạo triển khai thu gom, xử lý, giám sát về rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn.
UBND các huyện, thành phố đã ban hành và thực hiện kế hoạch tổng thể vệ sinh môi trường của địa phương; tỷ lệ thu gom rác thải trung bình đạt trên 93,5%.
Việc thu gom rác thải khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh có 94/173 xã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, 120/152 chợ đã tổ chức thu gom rác thải.
Tỉnh triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải tại thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn); thị trấn Yên Phú (huyện Bắc Mê); trung tâm huyện Quản Bạ; thị trấn Vĩnh Tuy, xã Tân Quang (huyện Bắc Quang); xã Xuân Giang và trung tâm huyện Quang Bình.
UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025 tại Quyết định số 1575/QĐ-UBND; giao Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt và báo cáo UBND tỉnh những bất cập để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hằng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng khá lớn chất thải dưới ba dạng rắn, lỏng và khí.
Đặc trưng chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi, ảnh hưởng trực tiếp môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.
Hiện nay, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thật sự được coi trọng, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển đúng mức. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh.
Nhằm giải quyết bài toán rác thải nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh mương.