Lợi ích mô hình biogas
11:17 - 02/08/2021
(MTNT)- Hiện nay, các mô hình bể biogas ngày càng trở nên phổ biến và được xây dựng, lắp đặt ở hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi chính bởi những hiệu quả mà mô hình mang lại.
Sử dụng công trình biogas giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi



Lượng chất thải vật nuôi thải ra mỗi ngày sẽ được thu gom và dẫn về xử lý lại bể chứa của mô hình biogas thông qua hệ thống ống dẫn được dẫn trực tiếp từ chuồng trại chăn nuôi đến bể chứa.


Ở bể chứa, chất thải sẽ được phân hủy, phân giải bởi các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn trong hầm.


Chất thải sẽ được hóa lỏng và quá trình kỵ khí diễn ra. Khi quá trình kỵ khí xảy ra sẽ tạo nên các loại khí sinh ra từ quá trình này. Người chăn nuôi có thể tận dụng lượng khí gas sinh ra này để phục phụ cho các hoạt động sinh hoạt trong gia đình từ nấu ăn, thắp sáng cho đến sưởi ấm.

 
Quá trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng mô hình hầm biogas mang đến cho người chăn nuôi hiệu quả cao trong việc hạn chế chất thải chưa phân hủy bị thải ra ngoài môi trường. Điều này sẽ gây nên những tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của người dân trong khu vực, người chăn nuôi.


Ngoài ra, khi đầu tư xây dựng mô hình bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, người chăn nuôi cũng sẽ nhận được những lợi ích về kinh tế như: Tiết kiệm được chi phí điện năng, tiết kiệm chi phí cho phân bón cây trồng khi tận dụng nguồn chất thải sau khi xử lý biogas để bón cho cây trồng.

 
Khí gas từ hầm Biogas thành phần chủ yếu gồm khí Metal (CH4) và hơi nước, lượng khí này dùng cho đun nấu rất tốt, nếu sử dụng đúng cách thì không hề ảnh hưởng tới sức khỏe con người.


Nước thải của hệ thống đã được diệt hết 99% trứng giun sán, có thể tận dụng làm phân vi sinh hoặc tưới cho rau sạch, mang lại nguồn phân bón an toàn cho canh tác, hạn chế côn trùng phát triển, qua đó giúp giảm dịch hại từ 70-90%, bảo vệ sức khỏe người nông dân.

 
Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường rất lớn.

 
Do vậy, địa phương đã triển khai xây dựng nhiều hầm khí sinh học biogas nên môi trường trên địa bàn có chuyển biến rất tích cực, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước và đất.


Hàng năm, trên địa bàn xã thường có từ 10.000 đến 12.000 con gia súc, trong đó có tới 8.000 con trâu bò và 4.000 – 5.000 con lợn. Chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế lớn cho bà con nhưng mặt trái của nó là tình trạng ô nhiễm môi trường.

 
Nhờ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ, nhiều người dân trong xã xây dựng mô hình biogas. Chất thải chăn nuôi nhất là nuôi gia súc được thu gom vào hầm ủ làm chất đốt, chất liệu thắp sáng.

 
Mô hình mang lại cho người dân nhiều tiện ích như: Tạo nguồn năng lượng tái sinh sạch và rẻ, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình thông qua việc giảm chi phí sử dụng chất đốt.


Chất thải chăn nuôi sau thời gian ủ dưới hầm sẽ hủy phân thay cho việc xả trực tiếp ra môi trường như trước.


Để xây dựng mô hình hầm biogas thể tích 7m3 phải chi phí tới 12 triệu đồng, song Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 50% kinh phí nên người dân chỉ chi phí thêm 6 triệu đồng và mất công đào hầm.


Nhiều năm qua, gia đình anh Nguyễn Văn Giới, đội 11, thôn Thanh Hồng, xã Thanh Chăn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi lợn. Bình quân mỗi năm nuôi từ 100 – 120 con lợn. Lượng chất thải hàng ngày nhiều, mặc dù gia đình đã chú trọng vệ sinh nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường.


Nhờ có sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, cách đây mấy năm gia đình anh đã lắp đặt hệ thống hầm khí biogas với bể điều áp, bể phân hủy phân và nước thải, bộ phận kích khí và điều khí, trong đó bể chứa phân thải có dung tích hơn 7m3.

 
Khi chưa có công trình, hàng xóm xung quanh thường xuyên phản ánh tình trạng mất vệ sinh môi trường. Từ khi có hầm biogas, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho gia đình và mọi người xung quanh thì sử dụng hầm biogas còn tiết kiệm cho gia đình một khoản chi đáng kể.

 
 Từ khi sử dụng khí sinh học biogas, gia đình tiết kiệm 6 triệu đồng tiền mua chất đốt/năm. Hiện nay, nấu ăn không cần dùng đến củi, gas công nghiệp mà đun bằng khí biogas cả ngày vẫn không hết, còn cho hàng xóm dùng chung. Nhận thấy hiệu quả về bảo vệ môi trường và kinh tế của việc sử dụng hầm khí biogas nên nhiều người dân trong và ngoài thôn cũng đến học tập, làm theo mô hình khí sinh học biogas của gia đình anh.
 

Tại gia đình anh Nguyễn Văn Thống, đội 10, thôn Thanh Hồng khi chưa xây dựng hầm biogas, hàng xóm thường có ý kiến vì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ dãy chuồng lợn của gia. Nhất là vào mùa hè, hệ thống ao – nơi nước thải từ chuồng trại xả ra bốc mùi hôi nồng rất khó chịu.


Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ gia đình lắp đặt hệ thống hầm biogas đến nay, mặc dù chuồng trại luôn có từ 60 - 70 con lợn thịt và mấy con lợn nái nhưng lượng chất thải được xử lý tốt, mùi hôi không còn. Đặc biệt, hàng tháng lại tiết kiệm khoản tiền từ 500 đến 600 nghìn đồng mua chất đốt.
 

Cùng với đó, chính quyền xã tích cực động viên, khuyến khích nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình. Hiện xã Thanh Chăn có 1.200 hộ dân thì có tới 534 hộ lắp đặt hệ thống hầm khí sinh học biogas.


Mô hình biogas đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết vấn đề về khí đốt, thắp sáng; hạn chế tình trạng người dân phá rừng lấy củi làm chất đốt; song quan trọng nhất vẫn là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

 
Việc triển khai thực hiện các mô hình hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi và thu hồi khí sinh học phục vụ sinh hoạt trên địa bàn xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng nguồn năng lượng xanh làm khí đốt. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho các hộ nông dân.
 

Xã có hơn 300 hộ nuôi lợn thịt, trong đó có 5 hộ nuôi từ 40-100 con, hơn 80 hộ nuôi từ 10 con trở lên. Để bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh, tăng cường khả năng đề kháng cho vật nuôi, hằng năm, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học mới vào sản xuất và chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học biogas để khử mùi và tăng cường hiệu quả xử lý nguồn chất thải trong chăn nuôi.


Nhờ vậy, toàn xã hiện có hơn 85% các hộ chăn nuôi từ 10 con lợn thịt trở lên và 50% các hộ nuôi nhỏ lẻ đã sử dụng hầm khí biogas. Qua đó, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ lan truyền dịch bệnh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe của người dân. Hiện, xã đã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

 
Rõ ràng, việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi mang lại không ít hiệu quả cho người sử dụng, đồng thời bảo đảm được vấn đề vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm biogas là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi. 


Để phát triển, nhân rộng mô hình hầm biogas, trước hết các ngành chức năng, các đơn vị chủ quản cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, hiệu quả cũng như cách thức sử dụng mô hình. Mặt khác, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, để người chăn nuôi mạnh dạn xây lắp hầm biogas, thêm điều kiện phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.




Hà Chi




Nguồn:
https://dienbientv.vn/tin-tuc-su-kien/xa-hoi/201505/mo-hinh-biogas-gop-phan-bao-ve-moi-truong-o-thanh-chan-2389354/
https://baoquangbinh.vn/kinh-te/201411/su-dung-ham-biogas-trong-chan-nuoi-mo-hinh-hieu-qua-can-nhan-rong-2120081/
http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-phat-trien-chan-nuoi-voi-bao-ve-moi-truong-30965

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn