Nhức nhối vấn nạn rác thải nông thôn
10:27 - 22/06/2021
(MTNT)- Mỗi năm, khu vực nông thôn nước ta phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Theo thống kê, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.
Khu vực nông thôn nước ta phát sinh rác thải sinh hoạt trên 13 triệu tấn/năm.


Theo số liệu của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, năm 2020, ước tính khối lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng hơn 290 tấn/ngày. Hiện mạng lưới thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn của tỉnh còn rất hạn chế, mới chỉ tổ chức thu gom tại các điểm dân cư tập trung và gần các khu vực trung tâm xã. Đến nay, mới chỉ có 28/150 xã thành lập 32 tổ tự quản tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn (Các tổ này do các xã thành lập, số lượng từ 1 - 2 người/tổ).
 
 
Thống kê mỗi ngày ở vùng nông thôn tỉnh Bắc Ninh cũng xả thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình… lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch… Cả tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có ba địa phương gồm: Thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) đã thành lập được Hợp tác xã dịch vụ - môi trường; còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp.
 
 
Tại Nghệ An, hàng ngày đang phát sinh ra môi trường gần 900 tấn rác thải nông thôn. Hầu hết các chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy (nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật…). Riêng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn của tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng (chợ, đường giao thông, điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm…).
 
Hiện, mỗi ngày tỉnh Sóc Trăng phát sinh khoảng 650 tấn chất thải, trong đó khu vực nông thôn khoảng 250 tấn. Sở TN&MT tỉnh cho biết, tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt gần 50%. Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, rác thải từ 130 chợ trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn cũng khiến cho ngành môi trường của tỉnh gặp khó khăn trong khâu xử lý.
 
 
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình chỉ khoảng 40 - 55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
 
 
Số liệu từ Bộ NN&PTNT thống kê cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hằng năm, chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.
 
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hầu hết rác thải sinh hoạt được các hộ gia đình tự thu gom và xử lý, dẫn đến tình trạng vứt rác bừa bãi còn khá phổ biến. Mặt khác, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung tại các tuyến đường liên xã, liên thôn hay các kênh, mương, sông, suối còn thấp.
 
 
Đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập được tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện; còn lại phần lớn là do các Hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm, các chi phí thu gom thỏa thuận với người dân nên còn thấp (khoảng 10.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng). Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.
 
 
Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Các nghiên cứu cho thấy, việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương hiện chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo; các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt hầu hết là lò đốt quy mô nhỏ, công suất dưới 300kg/h, do đó hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu…
 
 
Trước thực trạng đặt ra về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có yêu cầu rõ đến năm 2025, phải thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ. 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
 
 
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải tại địa phương mình.
 
 
Về phía các địa phương, cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường. Đặc biệt, các địa phương đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi ra các sông, kênh rạch; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn…
 
Đức Trí
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn