|
Hội viên, nông dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm |
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao vai trò của người nông dân trong công tác BVMT, ngay từ năm 2005, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số về việc phối hợp hành động BVMT và quản lý, sử dụng đất đai.
Đến năm 2011, nhằm tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh của Hội Nông dân các cấp, các cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, Bộ Tài nguyên Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND về việc tăng cường phối hợp hành động giữa hai đơn vị trong giai đoạn 2011-2017. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết liên tịch này, ngày 22/12/2017, hai bên đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp số 48/2018/CTPH-HND-BTNMT về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã chỉ đạo các Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội nông dân địa phương xây dựng nội dung tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, phù hợp với bản sắc văn hóa của từng địa phương theo đúng phương châm tuyên truyền vận động “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, làm phải có chất lượng và hiệu quả” về BVMT đến hội viên, nông dân.
Bộ đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ về BVMT cho cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công tác môi trường của các tỉnh, thành Hội; bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông cho hơn hàng chục nghìn lượt cán bộ, hội viên; chỉ đạo các Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các cấp Hội xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên có kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong công tác BVMT nông thôn.
Hàng năm, Bộ phối hợp tổ chức thành công Lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, phát động cán bộ, hội viên nông dân cả nước hưởng ứng bằng việc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải và chất thải ở nông thôn, trồng và chăm sóc cây xanh...
Thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, giáo dục giữa hai cơ quan đã giúp phần lớn nông dân nhận thức được về nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn và những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân; đồng thời đã có hiểu biết cơ bản về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó nhằm phát triển bền vững; từ đó chủ động xây dựng ý thức, thay đổi các hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân để hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân xây dựng thành công nhiều công trình, mô hình về BVMT nông thôn như: Tuyến đường xanh - sạch - đẹp; Quản lý chất thải dựa vào cộng đồng, hạn chế sử dụng túi ni lông, khu dân cư tự quản BVMT, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn; mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng; thí điểm xử lý chất thải BVMT trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn; mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Trong đó nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác BVMT, được nông dân tích cực tham gia và đã nhân rộng trên nhiều địa phương.
Các cấp Hội nông dân đã chủ động góp ý, phản biện các dự thảo văn bản pháp luật, chính sách về BVMT, tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường; nắm bắt và phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những bức xúc, nguyện vọng của người dân về ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn.
Trong giải quyết các điểm nóng, vụ việc phức tạp về môi trường, ngành Tài nguyên môi trường và các cấp Hội nông dân đã tổ chức nắm tình hình nhân dân, trao đổi thông tin, góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp trong thời điểm diễn ra các vụ việc nóng, nhạy cảm về môi trường được dư luận xã hội quan tâm.
Qua công tác phối hợp, đã giải quyết ổn định, kìm chế sự phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác BVMT, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn.
Thủy Tiên