Đa dạng hóa công tác bảo vệ môi trường
10:17 - 10/05/2021
(MTNT) - Thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng lên rõ rệt.

Các cấp Hội hướng dẫn và vận động hội viên, nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải chăn nuôi



Nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí Biogas bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ môi trường.


Thông qua các mô hình điểm để tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ đó có hành động cụ thể bảo vệ môi trường.


Tiêu biểu như mô hình: Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, An Giang, Long An; mô hình “xử lý nước thải làng nghề” tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình “đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nhiên liệu trong sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Trị.


Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng hằng năm khoảng 7,3 triệu tấn/năm đến 8,6 triệu tấn/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000 tấn/năm đến 150.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 10% là bao bì thải bỏ. Đồng thời, phụ phẩm nông nghiệp cũng gây áp lực không nhỏ đến môi trường nông thôn.


Tại tỉnh Hưng Yên, ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn. Ở một số nơi chăn nuôi theo quy mô trang trại phát triển nhanh, phân tán trong khu dân cư, chất thải sinh hoạt cộng với chất thải chăn nuôi không hoặc ít được xử lý thải trực tiếp ra môi trường.


 Mặt khác, môi trường đồng ruộng cũng bị ô nhiễm do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan, thải bỏ vỏ đựng hóa chất BVTV ngoài đồng ruộng; ý thức, trách nhiệm BVMT của người dân chưa cao...


Trước thực trạng nêu trên, Hội ND tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tuyên truyền về BVMT cho hơn 10 nghìn lượt cán bộ, hội viên trong tỉnh. Các học viên tham gia các lớp học được trang bị kiến thức về thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền địa phương về BVMT.


Ngoài ra, 100% cơ sở hội đã tổ chức lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, tổ Hội nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT cho cán bộ, hội viên, với sự tham gia của gần 145 nghìn lượt hội viên tham gia.


Hội ND tỉnh đã ban hành Đề án số 06-ĐA/HNDT về "Nâng cao vai trò của các cấp Hội trong tham gia BVMT nông thôn xanh - sạch - đẹp; góp phần xây dựng nông thôn mới".


 Trong đó, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường "chi Hội ba không", gồm: Không có bao bì thuốc BVTV đã sử dụng trên đồng ruộng; không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường; không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường.


Đến nay, riêng Hội ND tỉnh đã xây dựng được hơn 60 mô hình thu gom, xử lý sơ bộ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng tại 60 cơ sở trong tỉnh; các cấp Hội xây dựng được 98 "chi hội ba không"; 182 mô hình Hội ND tham gia BVMT; 436 tổ vệ sinh môi trường do Hội ND tự quản...


Để đẩy mạnh và thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên.


Hội ND tỉnh hướng dẫn và vận động hội viên, nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn.


Mặt khác Hội  đã tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải; nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không xả, vứt rác thải bừa bãi.



Đồng thời, tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về chống ô nhiễm môi trường và tích cực bảo vệ môi trường nông thôn nhằm thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; vận động hội viên hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, mỗi gia đình tự thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, hình thành và duy trì các tổ thu gom xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư.

 
Hàng năm, Hội ND tỉnh đưa chỉ tiêu “tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại.


Tỉnh Hội chỉ đạo 27/27 huyện, thị, thành Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường; chỉ đạo mỗi cơ sở Hội xây dựng mô hình mới hoặc duy trì và nhân rộng  mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường.


Đến nay, các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được trên 300 mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn”, mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”.


Có thể khẳng định, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường đã góp phần làm thay đổi cảnh quan làng xóm sáng - xanh - sạch - đẹp tại các địa phương.



 
Xuân Sơn
 
 
 


Nguồn:
https://baothanhhoa.vn/moi-truong/mo-hinh-nong-dan-voi-cong-tac-bao-ve-moi-truong/127571.htm
http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Hoi-Nong-dan-cac-cap-giu-vai-tro-quan-trong-trong-bao-ve-moi-truong/417573.vgp
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn