Tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi vẫn đứng ngồi không yên
Mặc dù Lâm Đồng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa dám tái đàn nuôi lợn trở lại. Ngược lại, những hộ tái đàn thì đứng ngồi không yên, thực hiện nhiều biện pháp để đề phòng dịch bệnh bùng phát trở lại.
|
Bà Năm nơm nớp lo sợ dịch bệnh bùng phát tại địa phương sẽ khiến đàn lợn mới tái đàn của mình gặp rủi ro |
Dè dặt tái đàn
Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Mặc dù công bố hết dịch, thế nhưng các huyện, thành phố trên địa bàn vẫn tiếp tục giám sát và thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định về phòng chống dịch.
Điều này nhằm bảo vệ các hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn và đề phòng ổ dịch mới bùng phát sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.
Đến xã Tân Văn (huyện Lâm Hà), phóng viên có dịp trò chuyện với những người dân trước đây từng làm giàu từ việc chăn nuôi lợn.
Dẫn phóng viên đi tham quan trang trại tổng hợp của gia đình mình, ông Bạch Văn Pha (68 tuổi) cho biết: "Trước đây, tôi chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại hộ gia đình. Thế nhưng đến nay không dám nuôi lợn nữa vì rủi ro nhiều, mà dịch bệnh bây giờ thì rất nguy hiểm. Giờ tôi chỉ nuôi vài con lợn rừng để cải thiện bữa ăn hàng ngày thôi".
Trước đây, gia đình ông Pha chăn nuôi lợn trong trang trại rộng 200m2. Ông Pha đã tự nuôi lợn nái và chủ động về con giống. Vì thế, trong trang trại của ông luôn có đủ các loại lợn từ lớn đến nhỏ. Mỗi năm, gia đình ông xuất bàn hàng trăm con lợn các loại, thu về hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, lão nông này đã phải phá bỏ trại lợn để xây ao, nuôi cá, chim bồ câu. Dự định, sắp tới ông Pha sẽ còn nuôi thêm ba ba và ếch giảm rủi ro từ nuôi lợn và cũng nhằm tăng thêm thu nhập.
Trong khi đó, tại thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), bà Nguyễn Thị Năm đang thế chấp nhà đất, vay tiền ngân hàng để tái đàn lợn. Bà Năm là người nuôi lợn nái từ năm 2000 và đến năm 2018 bà chuyển sang nuôi lợn thịt. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, bà Năm không bị ảnh hưởng gì.
"Trước đó, gia đình tôi không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi mà còn thu được hơn 200 triệu đồng nhờ bán lợn các loại. Thế nhưng, đợt này tôi đang phải thế chấp nhà đất, vay 500-600 triệu đồng để tái đàn. Hiện, ngân hàng đang xét duyệt hồ sơ. Chỉ mong mọi điều yên ổn. Nếu dịch bệnh ập đến một cái là tôi trắng tay" - bà Năm chia sẻ.
Hiện nay, gia đình bà Năm duy trì 2 trang trại bao gồm khu chăn nuôi lợn nái và khu nuôi lợn thịt rộng 200m2. Những con lợn giống bà đưa vào nuôi đều phải rõ ràng về nguồn gốc và đặc biệt là tiêm phòng ngừa dịch đầy đủ. Ngoài ra, bí quyết của bà Năm để cho lợn khỏe mạnh là cho ăn cám tổng hợp cùng với bỗng rượu.
Giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết: tỉnh Lâm Đồng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi từ ngày 5/5/2020. Sở NNPTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn công tác tăng đàn, tái đàn. Vì vậy, tổng đàn lợn của tỉnh đàn từng bước khôi phục với xu hướng giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước hình thành chăn nuôi tập trung, trang trại an toàn sinh học.
Ông Long cho biết thêm: "Chúng tôi khuyến cáo bà con lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y để tái đàn. Việc tái đàn cũng phải theo lộ trình, không tái đàn ồ ạt để tránh phát sinh dịch bệnh. Khi tái đàn, phải nuôi với số lượng 10% công suất chuồng nuôi, sau 30 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm. Nếu 100% sỗ mẫu âm tính với dịch tả lợn châu Phi thì tái đàn 100% công suất. Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Lâm Đồng ở vào khoảng 380.000 con/460.000 con theo kế hoạch 2020".
Một trong những trang trại có quy mô tại xã Tân Văn vẫn đang tiếp tục nuôi lợn, áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng dịch là của anh Lương Văn Hoài và anh Nguyễn Tuấn Cường xây dựng. Tại trang trại đang nuôi khoảng 400 con lợn thịt liên kết với Công ty CP chăn nuôi CP này, hệ thống camera luôn được theo dõi và trong tình trạng "kín cổng, cao tường". Tại đây, hai người chăm sóc lợn có khi phải ở trong trại đến hết cả lứa nuôi. Nếu muốn ra, vào phải được sự đồng ý của chủ trang trại.
"Đối với việc nhập giống, bán lợn thịt, người ở trong và ngoài chỉ thực hiện giao dịch ở cổng chính, cách khu chăn nuôi hàng trăm mét. Tại đây, chủ trang trại cho xây dựng máng bê tông nối từ cổng chính đến khu chăn nuôi. Lợn giống, lợn thịt khi vào hoặc ra đều được người làm việc trong trại lùa đi qua máng này. Ngoài ra, thuốc sát khuẩn, khử trùng và vôi bột luôn được chúng tôi phun định kỳ. Làm sao để đảm bảo mọi thứ tốt nhất cho đàn lợn. Đó là cả gia tài của chúng tôi, lơ là một chút cũng không được" - ông Nguyễn Văn Hoài chia sẻ.
"Chúng tôi khuyến cáo bà con lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y để tái đàn. Việc tái đàn cũng phải theo lộ trình, không tái đàn ồ ạt để tránh phát sinh dịch bệnh".
Ông Phạm Phi Long