Liên tiếp mưa đá, nhiều tỉnh phía Bắc thiệt hại nặng
17:03 - 19/03/2020
Trận mưa đá xảy ra đêm ngày 17, sáng 18/3 làm nhiều tỉnh phía Bắc thiệt hại nặng. Đây là lần thứ hai mưa đá xảy ra chỉ trong vòng 1 tháng.
Mưa đá làm gần 100 ngôi nhà ở địa bàn 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ thiệt hại


Tại Lai Châu, trong tối và đêm ngày 17/3, liên tiếp xảy mưa giông lớn kèm mưa đá tại thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường.
 

Theo người dân ở thành phố Lai Châu (Lai Châu), trận mưa đá đầu tiên diễn ra vào khoảng 20 giờ, kéo dài trong khoảng 7 phút với cường độ mạnh kèm theo đó là mưa đá hạt to như quả trứng gà. Trận mưa đá tiếp theo diễn ra sau đó với thời gian ngắn hơn. Sau mưa đá, nhiều người chạy ra nhặt được cả xô, chậu đá.
 

Tại thành phố Lai Châu, mưa đá với những viên đá có đường kính khoảng 4 - 5cm trút xuống, làm hư hỏng nhiều mái nhà lợp bằng tấm proximăng, vỡ ống năng lượng mặt trời; Cây cối trên nhiều tuyến phố bị tướp, rụng lá và một số diện tích hoa màu của người dân bị dập nát.
 

Tại huyện Tam Đường, mưa đá kèm theo gió lớn tập trung ở xã Nùng Nàng, Bản Giang, bước đầu gây thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Đặc biệt, một số diện tích cây ăn quả ôn đới, chanh leo và nhiều cây trồng lâu năm bị hư hại nặng.
 

Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, cùng với thông kê thiệt hại, huyện đang yêu cầu các địa phương chỉ đạo bà con chuyển đổi các diện tích hoa màu bị thiệt hại sang cây trồng khác phù hợp để sớm ổn định sản xuất.
 

Trong khi đó tại Lào Cai, vào tối ngày 17/3, mưa đá ở xảy ra trên khắp địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng và Bảo Yên với cường độ mạnh khiến nhiều ngôi nhà bị thủng, hư hỏng phần mái.
 

Theo anh Nguyễn Mạnh Tùng (ở thị trấn Si Ma Cai), mưa đá kéo dài chừng 30 phút, những viên đá to bằng ngón chân cái, có viên to bằng quả trứng, cái chén... Có nhà hàng xóm để ôtô, xe máy ngoài trời bị vỡ kính.
 

Thông tin tổng hợp nhanh từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, mưa giông kèm mưa đá đã làm 82 nhà ở huyện Bắc Hà bị tốc mái, vỡ ngói, trong đó có khoảng 49 nhà bị hư hỏng trên 50% mái ngói. Ngoài ra, mưa đá làm nhiều diện tích cây trồng tại các huyện như Si Ma Cai, Bắc Hà bị ảnh hưởng.
 

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đêm 17/3, tại 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ đã xảy ra mưa đá. Thiệt hại ban đầu tại Lào Cai có 82 nhà bị tốc mái, vỡ ngói (huyện Bắc Hà). Một số diện tích cây trồng tại các huyện như Si Ma Cai, Bắc Hà bị ảnh hưởng. Hiện các tỉnh đang khẩn trương thống kê thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống và an toàn chống dịch COVID-19.
 

Tại Tuyên Quang, mưa lớn kèm lốc xoáy đêm 17, sáng 18/3, đã làm tốc mái 15 nhà dân; 113 ha lúa, 46 ha ngô, rau màu, 2,5 ha cam của người dân ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên bị thiệt hại.
 

Đặc biệt tại một số nơi như xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn; thành phố Tuyên Quang; xã Bình An, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; xã Sơn Phú, Đà Vị huyện Na Hang đã xảy ra mưa đá với mật độ thưa, hạt nhỏ, đường kính hạt đá trung bình xấp xỉ 0,5cm.
 

Hiện, các huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị thiệt hại nắm tình hình và thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị tốc, thủng mái; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã hướng dẫn nhân dân các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích hoa màu bị ảnh hưởng để cây trồng phục hồi, đảm bảo kịp mùa vụ.
 

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), thống kê ban đầu cho thấy, chưa có thương vong về người, nhưng trận mưa đá tối 17/3, trên địa  bàn 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ đã khiến gần 100 ngôi nhà bị thiệt hại. Trong đó, riêng tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), mưa đá đã làm hư hỏng 82 nhà dân (chủ yếu là bị tốc mái, vỡ ngói; khoảng 49 nhà bị hư hỏng trên 50% mái ngói). Nhiều diện tích cây trồng tại các huyện như Si Ma Cai, Bắc Hà bị ảnh hưởng.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn