Hiện nông dân trong tỉnh Phú Yên tiến hành thu hoạch niên vụ mía 2019-2020.
|
Vụ mía cháy ở trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), cuối tháng 2 vừa qua, khiến 5ha mía 8 tháng tuổi của 4 hộ dân. |
Thường sau khi thu hoạch mía tơ, nông dân phát hoang bụi bờ rồi đốt lá mía để lưu gốc niên vụ sau. Thời gian qua, do sơ hở trong khâu đốt lá mía dẫn đến cháy lan nhiều diện tích mía gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Thu hoạch mía... cằn
Những ngày qua, nông dân xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), thu hoạch mía niên vụ mía 2019-2020. Nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi vừa qua do gặp nắng hạn chậm phát triển, còn mía trồng ven soi cạnh bờ sông thì số lượng lóng trên cây mía giảm so với các năm trước.
Ông Bùi Văn Tùng, nông dân trồng mía ở xã Hòa Mỹ Tây than vãn: Tôi trồng 2 sào mía ở vùng gò đồi, do trong thời gian sinh trưởng gặp nắng hạn giờ thu hoạch chặt ngọn chặt gốc, đầu đuôi còn lại một khúc dài không quá 1m. Mấy năm trước cây mía đến thời kỳ thu hoạch dài gần 2m.
Còn bà Trần Thị Dung, cũng ở xã Hòa Mỹ Tây chia sẻ: Nhà tôi có 3 sào mía trồng ven sông, nắng hạn vừa qua làm cây mía mất sức. Hiện nay cây mía đâm lá lao (lá cuối cùng cây mía) nhưng chỉ được 8 lóng, bình thường mấy năm trước cây mía từ 10 đến 12 lóng.
Vùng gò đồi từ xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly (huyện Sông Hinh), mía đến thời kỳ thu hoạch cằn cõi. Ông Lê Văn Sang, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho hay: Đầu vụ toàn xã trồng 320ha mía, thế nhưng do thời kỳ mía sinh trưởng nắng nóng gay gắt nên nhiều diện tích mía vùng gò đồi khô héo chết nên nông dân cày phá bỏ. Số diện tích còn lại mía xấu, cằn cõi, nông dân dân đang tập trung thu hoạch.
Thống kê của UBND huyện Sông Hinh, niên vụ mía 2019-2020, toàn huyện có 4.870ha mía, giảm 14,45% kế hoạch, nguyên nhân do nắng hạn kéo dài năm 2019, mía chết.
Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thời tiết nắng nóng kéo dài nên niên vụ mía 2019-2020 giảm về diện tích. Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng, chống hạn, tuy nhiên do mía trồng trên vùng gò đồi không có nguồn nước tưới dẫn đến mía chết nên diện tích giảm so với kế hoạch.
Sơn Hòa là “thủ phủ” cây mía và mía là cây trồng chủ lực của người dân miền núi, nhưng nắng hạn làm cho cánh đồng mía xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Phước, Sơn Hội chậm phát triển.
Ông Phan Tấn, ở xã Sơn Phước cho hay: Bình quân, 1ha mía trồng mới, đầu tư cày bừa, giống, phân hết 30 triệu đồng, còn mía lưu gốc thì công cuốc cỏ, vãi phân cũng hết 10 triệu đồng. Thời gian qua nắng hạn cánh đồng mía xấu thì người trồng mía không lãi là bao.
Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ mía 2019-2020, nông dân trong tỉnh trồng 23.609 ha, nắng hạn làm cho 2/3 diện tích mía bị đe dọa do không có nguồn nước tưới, trong đó có 1/3 diện tích giảm năng suất.
Đến nay nông dân thu hoạch được 6.000ha, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã khởi động vụ ép mía 2019-2020, từ đầu tháng 2, giá thu mua cây mía nguyên liệu tại ruộng 800.000 đồng/tấn mía sạch với 8,5% chữ đường.
Đề phòng cháy mía
Cùng với thu hoạch mía, nông dân đốt lá mía để lưu gốc vụ sau. Hiện mía niên vụ 2020-2021, nông dân trong tỉnh trồng 3.194ha, trong đó có gần 500ha mía thu hoạch xong để lưu gốc.
Ông Trần Văn Long, ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Kinh nghiệm của tôi khi thu hoạch mía xong phát dọn bờ rào rồi đốt lá mía để lưu gốc thì đốt vào sẩm tối, vì thời điểm đó, lửa cháy lan chỉ cần bằng que diêm mắt mình cũng thấy dùng chà lá đập tắt ngay; còn đốt trưa, xế có ánh nắng mặt trời lửa cháy lan khó phát hiện. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ cháy lan đốt cả sở mía rộng hàng chục héc ta.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy mía đám. Cuối tháng 2 vừa qua, trên địa bàn thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), xảy ra vụ cháy khiến 5ha mía 8 tháng tuổi của 4 hộ dân bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do một người dân ở khu phố khi đốt rác dọn rẫy, trời nắng, gió mạnh, lửa nhanh chóng bén sang các rẫy mía lân cận.
Mới đầu vụ nhưng tại địa bàn xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), xảy ra vụ cháy làm thiệt hại 5,7ha mía của 13 hộ dân trong xã.
Ông Đặng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên cho biết: Vụ cháy xảy ra vào trung tuần tháng 2. Sau khi phát hiện cháy, chính quyền huy động lực lượng chức năng và người dân trong xã đến hiện trường kịp thời khống chế ngọn lửa. Diện tích mía bị cháy đến kỳ thu hoạch nên nông dân tiến hành thu hoạch, bán cho Nhà máy đường KCP Sơn Hòa (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam), ước thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Năm 2019, xã Sơn Nguyên xảy ra 2 vụ cháy thiêu rụi 11ha mía, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước đó, tại các xã Suối Bạc, Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) lửa thiêu rụi trên 100ha mía.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Huyện Sơn Hòa có gần 13.000ha mía, phần lớn diện tích nhờ vào nước trời. Thế nhưng thời gian qua, thời kỳ mía sinh trưởng gặp nắng hạn không có mưa, ở hầu hết các cánh đồng mía các xã trong huyện kiệt sức chậm phát triển. Hiện đang là mùa thu hoạch mía, đồng thời cũng là mùa nắng nóng, huyện đề nghị các địa phương vận động người dân tập trung cảnh giác và đề phòng mía cháy trong mùa khô hạn.