Chúng tôi về Ninh Thuận vào những ngày đầu tháng 3 nắng hầm hập, dọc quốc lộ 27B thuộc huyện vùng cao Bác Ái những cánh rừng đã rụng hết lá.
|
Thời điểm này rừng đã rụng hết lá, nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. |
Đưa chúng tôi thăm những cánh rừng đã trơ trụi lá tại tiểu khu 70 thuộc xã Phước Đại, anh Dương Văn Tuấn, Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý rừng Phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt cho biết: Chưa năm nào nguy cấp cháy rừng đến sớm như năm nay, trước Tết âm lịch toàn bộ trên 28.000ha do Ban quản lý, bảo vệ đã được cảnh báo ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Từ Tết đến nay kể cả ngày lễ và chủ nhật, 28 cán bộ của Ban quản lý rừng Phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt luôn phải đi kiểm tra, đôn đốc và trực tại các khu vực tiềm ẩn rừng bị cháy. Cùng với đó, 21 tổ cộng đồng nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng của Ban (mỗi tổ ít nhất 15 hộ) cũng chia ca ra trực 24/24 để chủ động ứng phó với cháy rừng.
Ông Tuấn cho biết: Việc phòng chống cháy rừng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi lực lượng của Ban ít mà diện tích rừng lớn nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Bác Ái.
Mặt khác, đây đang là thời điểm đốt nương làm rẫy của bà con, những diện tích nương rẫy lại thường nằm xen kẽ với rừng nên chỉ sơ suất nhỏ là có thể gây ra cháy rừng, đặc biệt mùa khô còn kéo dài đến cuối tháng 4 nên việc phòng chống cháy rừng cực kỳ vất vả.
Vòng sang huyện Ninh Sơn, những cánh rừng cũng trơ trụi, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha cho biết: Chúng tôi đang quản lý bảo vệ 12.627ha rừng và đất rừng. Do lực lượng của Ban chỉ có 12 người nên việc phối hợp với chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng để thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
“Mặc dù các năm qua công tác phòng chống cháy rừng khá tốt, không xảy ra vụ cháy lớn nào nhưng trước nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V cộng với khí hậu khô nóng và còn kéo dài nên chúng tôi tiếp tục tăng cường biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức. Bên cạnh đó cương quyết không cho người dân vào rừng trong giai đoạn này”, ông Quang chia sẻ.
Theo Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, hiện nay, diện tích rừng và đất rừng toàn tỉnh là 205.435ha, trong đó diện tích đất có rừng là 144.621ha.
Ông Dương Đình Sơn, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận cho biết: Mùa mưa vừa qua do ít mưa và kết thức sớm từ đầu tháng 11/2019 nên ngay từ cuối tháng 1/2020 toàn bộ diện tích rừng có nguy cơ cháy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã tăng dự báo lên cấp V, đây là hiện tượng chưa xảy ra trong nhiều năm qua bởi thông thường đến tháng 3 mới tăng lên cấp V.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 48 điểm cháy và vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng gần 30ha, tập trung tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái (mùa khô năm 2019 xảy ra 16 điểm cháy rừng) với 661 lượt người dân tham gia chữa cháy rừng.
Trước nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào và còn kéo dài, Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận đã ban hành nhiều công văn gửi các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng chống cháy rừng.
Theo đó tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sử dụng băng đĩa tuyên truyền để phát trên loa truyền thanh của thôn, bản.
Nghiêm cấm các đối tượng vào rừng nhất là đốt tổ ong lấy mật. Các đơn vị kiểm lâm bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng tất cả các ngày trong tuần, đối với chủ rừng điều động tất cả lực lượng ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng…
Tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp tỉnh, 7 ban cấp huyện, 35 ban cấp xã và 9 ban của các đơn vị chủ rừng, ngoài ra thành lập 97 tổ, đội tại các thôn bản chuyên trách phòng chống cháy rừng. Bố trí 59 điểm ngoài thực địa thực hiện trực 24/24 để khi có sự cố kịp thời huy động lực lượng tham gia phòng chống cháy rừng, làm hàng chục km đường ranh cản lửa, đốt trước có kiểm soát trên 25ha…