Nhiều diện tích hoa màu khô cháy
Sáng 12/2, tại vườn chanh gần 1ha, lão nông Bùi Văn Thắng (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang vét từng dòng nước ngọt cuối cùng dưới kênh để tưới cho chanh. Ông Thắng cho biết, đây là số nước ngọt ông bơm vào vườn trước khi nước mặn xâm nhập vào khu vực trồng chanh.
“Tôi bơm nước ngọt vào ngập các con rạch trong vườn, nhưng do khô hạn quá nên bơm nước hôm trước, hôm sau đã cạn” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, thời gian tới để có nước ngọt tưới và phun thuốc cho chanh, ông đành phải mua nước ngọt từ một nhà máy nước sạch trong ấp. Với 400 gốc chanh, mỗi lần phun thuốc ông mất 12 phuy nhựa nước (200 lít/thùng). 10 ngày ông phun thuốc cho chanh một lần. Còn nếu tưới nước, mỗi gốc ông mất 20 lít nước, 3 ngày ông tưới chanh/lần.
“Thời điểm này năm ngoái, mỗi kg chanh có giá 25.000 đồng. Nhưng hiện chanh chỉ còn 12.000 đồng/kg. Giá chanh thấp, lại chi phí cao khiến nông dân trồng chanh rất khổ sở” - ông Thắng thổ lộ.
|
Trước khi mặn xâm nhập nội đồng, nông dân trồng chanh ở huyện Bến Lức (Long An) đã đưa nước ngọt vào vườn để trữ, nhưng không giữ được nước do khô hạn khốc liệt. (ảnh: Trần Đáng) |
Ông Lưu Khánh Cường- nông dân trồng 3ha chanh ở xã Lương Hòa cho biết, năm nay hạn, mặn đến sớm hơn cả 1 tháng. “Nếu mua nước ngọt tưới chanh, tiết kiệm lắm tôi cũng mất 30 khối nước cho một lần tưới. Nếu mỗi tháng tưới 3 lần thì mất thêm số tiền không nhỏ cho cây chanh” - ông Cường nói.
Những ngày qua, hơn 5.400ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Bạc Liêu đang bị ảnh hưởng nặng vì thiếu nước trầm trọng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm cũng đang khiến 5.000ha nuôi tôm ở vùng này có nguy cơ bị thiệt hại.
Thiệt hại nặng nhất là vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô. Ngành chức năng thị xã Giá Rai ước tính đến thời điểm này, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa là khoảng 80 tỷ đồng. Nếu không dẫn nước ngọt về kịp thời thì thiệt hại sẽ rất khó lường.
Còn theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000ha đất canh tác, đa số là lúa - tôm. Ngoài ra còn có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.
2 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp
Đến nay, tại ĐBSCL, tổng diện tích lúa bị thiệt hại ở các mức độ trong vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng gần 29.700ha, bằng 7,3% so với tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000 ha). Tuy nhiên vẫn đang có khoảng 332.000ha lúa đông xuân và 136.000ha cây ăn quả đang có nguy cơ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3, 4/2020, trước mắt đến ngày 16/2/2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-22km; ở các cửa sông Cửu Long mức sâu nhất khoảng 75km. |
Bên cạnh đó, hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Bà Phan Thị Hiền (ở xã Bình Thanh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), buồn rầu nói: “Ngoài việc toàn bộ diện tích lúa vụ 3 nhiều đám bị chết khô, có nguy cơ mất trắng, chúng tôi còn đang bí bách nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt. Từ trước Tết, nước đã mặn nên chính quyền cho đóng cống ngay đầu con kênh dẫn nước duy nhất vào xóm. Qua mỗi ngày, nước trong kênh xuống thấp dần và xác chết động vật ngày một nhiều, nước ngả sang màu đen và bốc mùi thối. Nước bẩn vậy nhưng dân vẫn phải lóng phèn sử dụng. Tiền đâu ra mua nước 120.000 đồng/m3 mà người ta chở xe tới bán".
Hiện 13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020. Riêng 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập sẽ tiếp tục gây ra trong thời gian tới. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong và ĐBSCL.
Tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép, tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long).
Rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong toàn vùng và tại 9 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện, hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông trên đài báo về các giải pháp chủ động ứng phó với hạn mặn.
Thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn; sử dụng rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình... hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước...