Trao đổi với ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra từ ngày 3/2, tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Văn Ngọ, thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy gần 900 con gia cầm.
Cũng theo ông Hiệp, đến ngày 10/2 dịch đã lây lan sang 8 hộ chăn nuôi khác tại thôn 2 xã Tân Khang và 1 thôn của xã Tân Thọ, buộc cơ quan chức năng phải tiêu hủy trên 19.800 con gia cầm.
Còn tại huyện Quảng Xương, Cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện từ ngày 4/2, tại hộ chăn nuôi ông Vũ Ngọc Việt, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 3.300 con gia cầm.
Như vậy, từ ngày 3/2/2020 tại Thanh Hóa dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi, 4 thôn, 3 xã, 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, buộc phải tiêu hủy 23.083 con gia cầm trong đó 21.887 vịt, ngan, 1.196 con gà.
Ông Đặng Văn Hiệp cho biết thêm: Ngay khi có thông tin có hiện tượng gia cầm ốm chết trên địa bàn các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ xuống kiểm tra, chẩn đoán, lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm gia cầm A/H5N6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện thực hiện quyết liệt các biện pháp bao vây dập dịch. Hiện Chi cục đã cấp 3.000 lít hóa chất sát trùng, 335.000 liều vắc xin Cúm gia cầm, 200 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch cho hai huyện Quảng Xương, Nông Cống để tiêm phòng bao vây ổ dịch.
|
Thanh Hóa đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống không để cúm gia cầm lây lan trên diện rộng |
Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm thì ngay từ cuối tháng 12/2019 Sở NN-PTNT đã cấp 2.000.000 liều vắc xin cúm gia cầm từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để tiêm phòng cho đàn gia cầm ở các vùng nguy cơ cao với dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, Thanh Hóa có tổng đàn gia cầm lớn, diện tích rộng, là địa bàn trung chuyển, có lượng gia súc, gia cầm vận chuyển qua lại nhiều. Vì vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất cao.
Để phòng chống dịch cúm trên gia cầm Thanh Hóa đã tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm.
“Ngành nông nghiệp Thanh Hóa phân công lực lượng, rà soát tình hình chăn nuôi, tăng cường giám sát phát hiện sớm các hộ gia đình có gia cầm mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp tích cực với các địa phương tăng cường công tác kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhiều chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn xã được lập với sự tham gia của thú y, công an, dân quân tự vệ... trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch...
Sở NN-PTNT Thanh Hóa tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y nhằm hạn chế thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, chứa mầm bệnh lưu thông trên thị trường” ông Lê Đức Giang trao đổi thêm về các biện pháp phòng chống các loại dịch cúm trên gia cầm ở Thanh Hóa.
Để phòng chống dịch cúm trên gia cầm Thanh Hóa đã tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch 2 ngày 1 lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 3 ngày 1 lần.