“Dù nguồn nước có khó khăn thế nào thì vẫn phải đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất ở tất cả các vùng”. ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã khẳng định như vậy tại buổi cung cấp thông tin về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019- 2020, diễn ra chiều 19/12.
Đến thời điểm hiện nay, cơ bản mùa mưa đã kết thúc. Tuy nhiên, nguồn nước đang rất khó khăn, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và Nam Trung bộ. Hiện dung tích trữ tại các hồ chứa thủy điện khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ thấp, đạt trung bình 62,2% dung tích thiết kế, thiếu hụt từ 12 – 46% so với trung bình nhiều năm. Khi thực hiện 3 đợt xả nước trong vụ Xuân 2020 tới, dung tích trữ các hồ đạt trung bình 58% dung tích thiết kế.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, nhận định vụ đông xuân 2019 – 2020 có khả năng xảy ra hạn hán nhẹ ở một số nơi, diện tích có nguy cơ hạn hán, thiếu nước khoảng 4.500 – 9.000ha. Trong đó chủ yếu tập trung ở Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên – Huế. Đặc biệt, do tình hình hạn hán, thiếu nước, nhiều vùng trong công trình thủy lợi phục vụ cấp nước sẽ phải dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn với diện tích khoảng 21.000ha. Trong đó Ninh Thuận 5.500ha, Bình Thuận 15.500ha, chủ yếu là diện tích lúa.
Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia nhận định: “Năm 2019 là năm đầu tiên trong lịch sử các hồ chứa thượng nguồn sông Đà không có lũ về. Do đó lượng nước tích trong các hồ chứa rất thấp. Tổng lượng nước các hồ chứa thủy điện miền Bắc thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8,6 tỷ m3. Nếu xả lượng nước theo quy định, 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ mất thêm khoảng 4,3 tỷ m3, gần tương đương mực nước chết”.
TP. Hà Nội được dự báo nằm trong vùng rất khó khăn trong công tác lấy nước sản xuất vụ Xuân 2020. Trong 3 đợt lấy nước được đưa ra, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, riêng đợt 3 (bắt đầu từ ngày 19 đến 24/2) chủ yếu phục vụ cho việc lấy nước của TP. Hà Nội.
|
Dự kiến TP. Hà Nội phải vận hành trạm bơm dã chiến của Phù Sa để đảm bảo lấy nước cho sản xuất. Ảnh: N.L |
Trong khi đó, mỗi ngày xả nước sẽ tiêu tốn khoảng 300 triệu m3, mà cứ 1m3 nước tạo ra 330 đồng thì lượng nước xả trong 1 ngày tương đương với 100 tỷ đồng. Chính vì thế, ông Tỉnh yêu cầu các ban, ngành chức năng của TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể, tính toán chi tiết xem có giảm được thời gian xả nước nữa hay không.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước từ thượng nguồn hiện đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2015 – năm xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. Dự báo xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dù mức độ hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ ở mức kỷ lục, nhưng do đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó và có nhiều công trình thủy lợi, cung cấp nước cho người dân đã được đầu tư, xây dựng nên dự kiến có hơn 120.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, giảm gần 90.000 hộ so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015- 2016.
Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan đã chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 – 2020. Dự kiến, ngày 25/12, tại Bến Tre, Bộ NNPTNT sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 – 2020. |