Tìm mỏi mắt không đủ nguồn giống sắn sạch bệnh cho vụ đông xuân
09:04 - 27/11/2019
Không có giống sắn kháng bệnh, áp lực năng suất đè nặng từ đầu vụ, khiến ngành nông nghiệp Tây Ninh đang phải tiếp tục nỗ lực tìm nguồn giống sạch bệnh, ít nhất là cho vụ đông xuân sắp tới đây.
Sau khi thu hoạch, nông dân Tây Ninh thường sử dụng lại giống sắn của địa phương đã nhiễm bệnh để trồng vụ mới.


Áp lực vụ sắn mới

Do nhu cầu cây giống tăng cao cho vụ trồng mới nên các điểm bán cây sắn giống đang xuất hiện khá nhiều trên địa bàn Tây Ninh.

Tại huyện Dương Minh Châu, anh Trần Tấn Sang đang bán cùng lúc cả 2 loại hom giống sắn ở trong và ngoài tỉnh. Giống sắn trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá nên giá bán khoảng 13.000 đồng/bó, còn giống sắn từ một số tỉnh miền Trung đưa vào, ít có dịch bệnh thì giá cao gấp đôi. Tuy nhiên, phần lớn người trồng quanh vùng vẫn thường chọn mua giống sắn được thu hoạch ngay trong tỉnh.

 

Dù biết là giống bị nhiễm bệnh, nhưng bà con vẫn mua vì nếu chăm sóc tốt, sắn vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. “Ít ra người trồng vẫn còn lời chút đỉnh với giá bán nguyên liệu như hiện nay” - anh Sang nói.

Kế hoạch năm 2019, tổng diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 59.600ha, sử dụng 3 loại giống chủ lực là HLS11, KM419, KM94. Hiện nay, các giống này đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá rất nặng. Theo ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh, với diễn biến bệnh phức tạp hiện nay, Tây Ninh không có lượng giống sắn sạch bệnh để cung cấp nhu cầu sản xuất của người dân. Phần lớn người trồng sử dụng lại giống đã bị nhiễm bệnh để sản xuất, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận, nếu sản xuất từ nguồn giống sạch bệnh, đến giai đoạn sinh trưởng mới bị nhiễm bệnh thì năng suất giảm từ 15-30%; nếu sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh để sản xuất thì năng suất giảm từ 30-50%. Năng suất giảm không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mà làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho 67 nhà máy hoạt động với khối lượng ước cần 4 triệu tấn củ sắn tươi để chế biến.

Hiện hầu hết diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều đã nhiễm bệnh khảm lá, năng suất giảm từ 30 - 40%. “Do không có giống sắn sạch bệnh nên người trồng sắn cũng không chú ý tốt đến giống sạch bệnh. Dịch hại từ vụ này lây qua vụ khác, vùng này qua vùng khác” - ông Tùng phân tích. Để có cây giống sắn sạch bệnh phục vụ sản xuất, giảm áp lực bệnh trên đồng, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy, Sở NNPTNT Tây Ninh đang đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh vụ đông xuân năm 2019 - 2020.

Nhờ cây lúa “chia lửa”

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2018 – 2019 triển khai trước đó ở huyện Tân Châu và Dương Minh Châu đã không hoàn thành mục tiêu. Với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 40 - 80%, cây sắn không thể sử dụng để làm giống như đã đề ra.

Sở NNPTNT đã đề nghị TTKN quốc gia và Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét dừng thực hiện mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh này để chuyển sang thực hiện sản xuất sắn thương phẩm. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá về năng suất, trữ lượng tinh bột của mô hình; so sánh giữa khu vực nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh trong mô hình.

Kết quả đánh giá ở 2 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình cho thấy nếu sử dụng cây giống không bị nhiễm bệnh và kiểm soát được bệnh ở giai đoạn 5 tháng đầu tiên, năng suất chỉ giảm 5 - 10%. Ông Đoàn Văn Hữu - 1 trong 2 hộ dân tham gia mô hình cho biết, sắn dù nhiễm bệnh nhưng năng suất củ trong mô hình không bị giảm nhiều. Theo tính toán, 1ha có thể cho sản lượng từ 30 - 35 tấn. Giá sắn hiện nay vẫn đảm bảo nông dân có lãi dù không nhiều.

Cũng trong năm 2019, TTKN tỉnh được giao 7,9 tỷ đồng để thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, diện tích đăng ký sản xuất lúa VietGAP chỉ đạt hơn 40,3ha trên 1.955ha (chiếm 2%). Nguồn kinh phí thực hiện khoảng hơn 161 triệu đồng;  còn dư gần 7,74 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến người dân chưa mạnh dạn đăng ký sản xuất lúa VietGAP do giá thu mua sản phẩm đạt chứng nhận chưa có sự khác biệt; người dân chưa quen ghi chép lại nhật ký đồng ruộng... Trong khi nhu cầu khan hiếm giống mì sạch bệnh cho vụ đông xuân đang cấp bách, nguồn kinh phí trên là sự hỗ trợ cần thiết để giúp nông dân giảm áp lực dịch bệnh khảm lá.

Sở NNPTNT cho biết mục tiêu của mô hình sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung từ 3 - 12 điểm để hỗ trợ cây giống sắn sạch bệnh tại 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Châu với quy mô 600ha. Tổng kinh phí dự kiến hơn 1,85 tỷ đồng,  trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% tiền mua hom giống sạch bệnh (không quá 30 triệu đồng/hộ) và người dân tham gia đối ứng 50% giống và vật tư khác.

TTKN Tây Ninh sẽ phối hợp và đề nghị Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp giống sắn sạch bệnh; phối hợp với địa phương thống nhất địa điểm thực hiện để mô hình đạt hiệu quả cao nhất; thông báo chính sách hỗ trợ, các tiêu chí chọn điểm, chọn hộ để nông dân có nhu cầu tự nguyện đăng ký tham gia.


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn