Giảm thiểu sử dụng túi nilon để phòng ngừa thảm họa "ô nhiễm trắng"
11:00 - 21/10/2019
(MTNT) – Hiện nay, "ô nhiễm trắng" là tên mà nhân loại dùng để nói về thảm họa nilon. Đây được xem như mối nguy hiểm, độc hại, vẫn âm thầm diễn ra từng ngày, từng giờ và do chính con người tự gây ra đối với bản thân mình cũng như cả cộng đồng.
|
Cần khuyến khích người dân nâng cao nhận thức trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon để phòng ngừa thảm họa "ô nhiễm trắng" |
Nhiều năm trở lại đây, chính vì sự tiện lợi cùng với giá thành rất rẻ, những chiếc túi nilon đã hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Từ thực tế diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày cho thấy, việc sử dụng túi nilon hay các sản phẩm nhựa dùng một lần là khá phổ biến, thường tập trung nhiều nhất tại các chợ dân sinh truyền thống hoặc các siêu thị, cửa hàng bán lẻ...
Mặt khác, túi nilon còn đang được người bán rong khắp nơi; chỉ cần bỏ ra khoảng 20.000- 40.000 đồng là đã có ngay 1 kg túi nilon khó phân huỷ. Có mức giá thành rẻ tới như vậy là vì chủ yếu sản phẩm được sản xuất từ nguồn nhựa và nilon tái chế, không thân thiện với môi trường. Do đó, rất nhiều người dân từ thành phố cho tới các vùng nông thôn, chỉ cần dùng những cách thức vô cùng đơn giản cũng đã có thể mua và sử dụng chúng. Có thể nhận thấy, không ở đâu người mua và người bán hàng lại dễ dàng cho và xin túi nilon như ở nước ta.
Hiện nay, ngay tại mỗi gia đình, túi nilon cũng đang được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau như: Dùng để bọc và bảo quản từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chín; để đựng rác; đựng đồ dùng và còn vô số những công việc tiện dụng khác... Việc người dân thường xuyên sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy đã giống như một thói quen hàng ngày, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện bình quân mỗi thường sử dụng từ 5- 7 túi nilon/một ngày, bao gồm cả túi to, nhỏ và những chiếc túi siêu nhỏ... Như vậy, ước tính đã có hàng triệu chiếc túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Song, đáng lo lắng hơn khi lượng túi nilon này vẫn đang tiếp tục gia tăng theo từng năm.
Chỉ tính riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Cụ thể: Hà Nội thải ra từ 4.000- 5.000 tấn rác/ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7- 8%; tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có khoảng 5- 9 triệu túi nilon từ các hộ dân bị vứt bỏ ra môi trường mỗi ngày.
Hàng ngày, hình ảnh những chiếc xe rác chất cao ngất ngưởng và đầy chặt túi nilon đủ màu sắc và kích cỡ có lẽ đã không còn là cảnh hiếm gặp ở những thành phố lớn hiện nay. Thậm chí, rác nilon giờ đây đã trở thành một vấn nạn, gây mất mỹ quan đô thị cũng như tiềm ẩn những mối nguy độc hại.
Mỗi ngày, với 9 triệu túi nilon thải ra môi trường đồng nghĩa với tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ đồng; khoảng 54 tỷ đồng/tháng và 648 tỷ đồng/năm. Đó không chỉ là những con số gây tổn hại về kinh tế, túi nilon còn gây nên những tổn hại về môi trường, khiến con người phải trả những giá rất đắt và hệ lụy của nó còn có thể kéo dài.
Phải mất từ 500- 1.000 năm sau túi nilon mới tự phân hủy hết. Do đó, nếu như chúng ta tiêu hủy bằng cách chôn lấp, các sản phẩm từ nhựa trong quá trình phân huỷ sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, cùng với các hạt vi nhựa (microplastic) được hòa lẫn vào nguồn nước, đi vào chu trình sản xuất chuỗi thực phẩm làm thức ăn và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người. Mặt khác, túi nilon khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây hiện tượng xói mòn đất, làm cho đất bạc màu không tươi xốp, kém chất dinh dưỡng… Từ đó, làm cho cây trồng chậm tăng trưởng, kém phát triển.
Cùng với đó, hiện nay lĩnh vực tái chế nilon và chất thải nhựa của nước ta vẫn chưa phát triển; tỷ lệ phân loại chất thải ngay tại nguồn còn chưa cao.
Cụ thể, khi nilon được sản xuất tái chế hay đốt tiêu hủy sẽ làm phát thải ra chất độc dioxin, furan cùng rất nhiều loại độc tố khác… Đây đều là những chất rất nguy hại, có khả năng gây ngộ độc, làm ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, suy giảm khả năng miễn dịch của con người. Thậm chí, nếu tồn tại lâu dài trong môi trường còn gây biến đổi giới tính, tác hại tới não và là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư. Do đó, vấn nạn rác thải nhựa ngày càng trở nên nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Trên thế giới, túi nilon khó phân hủy hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia. Bên cạnh đó, hầu hết tại nhiều quốc gia khác cũng đã và đang có những giải pháp mạnh tay để giải quyết vấn đề này.
Điển hình là việc ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân hủy hay đánh thuế nặng đối với hoạt động sản xuất túi nilon đã được áp dụng tại một số nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Thụy Sỹ, Nam Phi, Đan Mạch, một số bang ở Hoa Kỳ… Ngoài ra, các quốc gia này cũng yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilon khi mua hàng để khuyến khích việc người dân tái sử dụng túi nilon hoặc chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Là quốc gia đang phát triển, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đặc biệt là tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Trước tình hình lượng rác thải nhựa vẫn đang ngày càng gia tăng, vì thế nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Nhận thức rõ vấn đề này, từ tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon sẽ tăng lên 50.000 đồng/kg. Đây là giải pháp tích cực, góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi cả cộng đồng cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm trắng. Khi phong trào được triển khai đã kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và từng người dân bằng những hành động thiết thực, thay đổi từ trong hành vi và thói quen dần tiến tới hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy để bảo vệ môi trường.
Đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cả cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, tạo nên sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, nhiều Bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã cùng chung tay tham gia phong trào; sau khi cam kết chống rác thải nhựa còn đưa ra nhiều sáng kiến, đóng góp ý nghĩa trong việc giải quyết những thách thức về rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống xanh cho các thế hệ tương lai của Việt Nam.
Thông qua việc phát động và lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh trong cộng đồng, đã xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc có khả năng tái sử dụng nhiều lần để dần thay thế cho sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy. Tiêu biểu như: Khuyến khích người dân dùng túi vải, làn nhựa để đựng đồ thay vì sử dụng túi nilon; thay thế ống hút nhựa bằng các loại ống hút làm từ tre, thuỷ tinh, inox hoặc từ cây cỏ bàng; sử dụng lá chuối để gói, bọc thực phẩm thay vì bao bì nilon; dùng túi đựng được sản xuất từ bột ngô hoặc hộp đựng thực phẩm từ bã mía có thể tự phân huỷ sinh học an toàn thay cho hộp xốp…
Ủng hộ xu thế này, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc không sử dụng nước uống đóng chai, lọ nhựa trong các cuộc họp mà chuyển sang thay thế bằng các chai, lọ thuỷ tinh hoặc inox để có thể tái sử dụng được nhiều lần. Hoặc nhiều địa phương đã tổ chức phát động ngày hội tái chế rác thải, vận động người dân đem rác thải nhựa tới để đổi lấy sản phẩm làm từ sinh học hoặc tặng cây xanh để truyền tải thông điệp ý nghĩa bảo vệ môi trường, tạo nhiều hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa rộng rãi.
Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
BOX: Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Thành Trung