Sáng 7/10, Hội thảo Bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9 (ASVP 2019) chính thức khai mạc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
|
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc hội thảo |
Dịch bệnh ngày một nguy hiểm
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng NN-PTNT cho biết, dân số thế giới đang ngày càng gia tăng, do đó, nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, dân số toàn thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người, khi đó nhu cầu lương thực sẽ tăng trên 70%.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, Hội thảo Bệnh lý thú y châu Á lần thứ 9 ý nghĩa hết sức thiết thực để các cơ quan, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thú y và tình hình các loại dịch bệnh trên khu vực và trên thế giới. |
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thời gian tới, ngành chăn nuôi thế giới đang đứng trước nhiều thách thức và những nhiệm vụ nặng nề. Đó là phải phát triển về số lượng và chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền lây giữa động vật với người và nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm.
Gần đây, Dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp tại hơn 20 quốc gia đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi thế giới, kể cả các nước có điều kiện tốt về kiểm soát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, ASF đã xảy ra tại hơn 8.000 xã thuộc gần 700 huyện của 63/63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 5 triệu con. ASF gây thiệt hại to lớn về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và an sinh xã hội, nhất là đối với người chăn nuôi.
Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi đang là một trong những ưu tiên ở nhiều quốc gia. Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
"Tôi tin trưởng rằng hội nghị sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thách thức trong quản lý thú y, cũng như các giải pháp kiểm soát các bệnh mới nổi. Từ đó, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ NN-PTNT cam kết ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành trong quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu hết sức cần thiết và có ý nghĩa này", ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp VN, Hội bệnh lý Thú y châu Á được thành lập từ năm 2003 tại Nhật Bản với mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu về bệnh lý thú y của các nước trong khu vực.
Năm 2018 – 2019, ASF xuất hiện tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác làm bức tranh dịch bệnh trên châu Á và thế giới ngày càng phức tạp. Bênh cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác vẫn còn chưa kiểm soát được hiệu quả như bệnh truyền lây giữa người và động vật (cúm gia cầm, liên cầu khuẩn ở lợn), bệnh ở động vật hoang dã và bệnh có nguồn gốc thực phẩm. Trải qua 16 năm phát triển, Hội hiện có 9 nước thành viên bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Philipines, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam. Hai năm một lần, Hội tổ chức Hội nghị khoa học tại các nước thành viên để chia sẻ kết quả nghiên cứu, xây dựng các dự án hợp tác, nghiên cứu, hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Vì vậy, hội thảo lần này cũng là cơ hội để kết nối các nhà khoa học, cùng chung tay nghiên cứu góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra.
"Tôi hi vọng qua hội nghị này, những ý tưởng chúng ta chia sẻ, thảo luận hôm nay, sẽ là thông tin hữu ích để khi trở về nước, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy, biến những ý tưởng thành hiện thực, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của thú y nói chung và lĩnh vực bệnh lý thú y nói riêng", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.Trong 2 ngày tới đây, các nhà khoa học sẽ trình bày hơn 40 bài tham luận tại 3 tiểu ban, bao gồm Bệnh lý thú y, những thách thức mới của ngành chăn nuôi và các bệnh mới nổi. Ngoài ra, sẽ có hơn 60 tóm tắt kết quả nghiên cứu được trình bày dưới dạng poster.
Tham dự Hội thảo có 34 đại biểu quốc tế đến từ 12 nước thuộc châu Á, châu Mỹ và châu Âu. 350 đại biểu Việt Nam từ các trường Đại học, Viện Nghiên cứu, Cơ quan quản lý, các tổ chức phi chính phủ, phòng khám thú cảnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y. |