(MTNT) – Những năm qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã ưu tiên nguồn lực để tập trung phát triển các làng nghề truyền thống cho thấy đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển cả về số lượng và gia tăng các loại hình sản xuất, kinh doanh làng nghề thì vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đang ngày càng có chiều hướng đi lên.
|
Làng nghề truyền thống tái chế rác thải tuy mang lại giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ dân nhưng mặt trái lại là vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng |
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, cả nước hiện có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của các địa phương. Đáng chú ý, các làng nghề còn thu hút hơn 11 triệu lao động có việc làm tại chỗ, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động ở nông thôn.
Bên cạnh đó, số lượng các làng nghề hiện cũng có sự phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước. Cụ thể gồm: 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc; miền Trung chiếm khoảng 23,6%; miền Nam chiếm khoảng 16,6%.
Qua kiểm tra, đánh giá chung của các ngành chức năng cho thấy, hầu hết các làng nghề đều đang bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng. Hiện có đến 46% số các làng nghề đang ô nhiễm nặng. Chính điều này đã gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường sống của người dân trong khu vực cũng như tới sự phát triển bền vững của các làng nghề.
Thực trạng ô nhiễm đang diễn ra tại một số làng nghề cho thấy, phổ biến nhất vẫn thường là tiếng ồn, chất thải rắn, nước thải, không khí... Song, ở một số địa phương, tình trạng ô nhiễm của nguồn nước, của không khí thậm chí đã trở nên nguy cấp.
Tại Ninh Bình, nhiều năm gần đây, với mục tiêu tập trung phát triển mạnh các làng nghề truyền thống đã tạo thương hiệu và uy tín cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Tiêu biểu như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân- huyện Hoa Lư đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hiện toàn xã có 90 doanh nghiệp và khoảng 500 hộ tham gia hoạt động sản xuất chế tác đá mỹ nghệ. Để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể trong xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị và công nghệ sản xuất mới có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Sự phát triển liên tục với quy mô ngày càng lớn của làng nghề cũng đã giúp thu hút hơn 3.000 lao động của xã và 1.000 lao động ở các địa phương khác có công ăn việc làm và mức thu nhập ổn định hàng tháng. Bên cạnh đó, tính bình quân doanh số thu được của làng nghề còn đang đóng góp khoảng 80% vào tổng giá trị thu nhập của ngành tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ trong xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt về giá trị kinh tế mang lại thì từ nhiều năm qua, tình trạng môi trường không khí, tiếng ồn ở nơi đây đang bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện có nhiều cơ sở sản xuất trong xã không có nhà xưởng đạt tiêu chuẩn do diện tích đất của các hộ khá chật hẹp, gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất, chế tác, trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều lao động cũng chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề an toàn lao động, thường xuyên không sử dụng đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc, không thắt dây an toàn… Việc này tiềm ẩn sẽ gây ra những nguy cơ lớn về tình trạng xảy ra tai nạn lao động; tình trạng bệnh tật gia tăng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, da liễu, mắt. Những hệ lụy này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng.
Toàn thành phố Hải Phòng hiện đang có khoảng 39 làng nghề với nhiều loại hình ngành nghề như: Mây, tre, gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến các sản phẩm nông- lâm - thủy sản, dịch vụ vận tải, chế biến vật liệu xây dựng…
Do đặc thù các làng nghề vẫn đang còn nằm xen kẽ trong những khu dân cư, do đó, với công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động thấp… tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Đáng chú ý, có hai làng nghề đúc, cơ khí Mỹ Đồng tại xã Mỹ Đồng- huyện Thủy Nguyên và làng tái chế phế liệu Tràng Minh ở phường Tràng Minh- quận Kiến An đang gây ô nhiễm môi trường.
Làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh chủ yếu thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu (nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt…) Hiện, làng nghề đang có gần 100 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Do phần lớn phế liệu đều chưa được làm sạch; các hộ kinh doanh thường tập kết các bãi phế liệu ngay trong khu dân cư hoặc trong sân nhà nên gây nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điển hình như vào ngày nắng, mùi hôi từ các đống phế liệu bốc lên nồng nặc; ngày mưa, dòng nước mưa còn cuốn trôi các chất cặn dầu, mỡ rồi chảy hòa lẫn vào hệ thống thoát nước của khu dân cư.
Hay làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, hiện có 168 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 50% làm nghề đúc và gia công cơ khí. Phần lớn các hộ sản xuất tổ chức đốt lò ngay trong xưởng; nguyên liệu, vật liệu thường vứt bừa bãi trong khi đó khu vực lò đốt lại nằm sát với nơi tập kết vật liệu nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi, khí thải… từ hoạt động nấu gang tại các hộ đúc đồng diễn ra nghiêm trọng. Từ nhiều năm nay, những ô nhiễm do lượng khí thải độc hại này đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trong xã.
Tại tỉnh Nghệ An, làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương trên địa bàn xã Diễn Quảng- huyện Diễn Châu với gần 300 hộ tham gia sản xuất, bình quân tiêu thụ ra thị trường khoảng 10 tấn bún/ngày đã giúp giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương có nguồn thu nhập ổn định.
Thế nhưng, song hành cùng với hoạt động sản xuất, mỗi ngày cũng đang có hàng ngàn lít nước ngâm tinh bột chưa qua xử lý được xả thẳng ra các con mương nội đồng khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; thậm chí, mỗi khi thời tiết hanh khô thì tình trạng ô nhiễm càng trở nên khủng khiếp. Thêm vào đó, nguồn nước thải từ làng nghề chảy ra gây ứ đọng trong các kênh, mương bốc mùi hôi thối khiến người dân sống xung quanh không thể chịu được, ảnh hưởng ến chất lượng cuộc sống.
Nguy hiểm hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề bún bánh còn làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới của bà con nông dân trên địa bàn. Việc này khiến cho nhiều diện tích lúa không thể gieo cấy được; hoặc nếu có gieo cấy thì cho năng suất rất thấp, gây bức xúc kéo dài ở địa phương.
Bên cạnh đó, nghề chế biến thủy hải sản cũng là một nghề đặc trưng của địa phương, với nhiều sản phẩm khá nổi tiếng. Tiêu biểu như làng nghề truyền thống Phú Lợi ở khối Phú Lợi- phường Quỳnh Dị- thị xã Hoàng Mai có 515 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm khá phong phú, đa dạng như: Nước mắm, ruốc, cá hấp sấy, cá phơi khô… Bình quân để đầu tư xây dựng một lò sấy cá cơm với công suất từ 2- 5 tấn/ngày, các hộ dân chỉ cần bỏ vốn từ 100- 500 triệu đồng là đã có nguồn thu nhập khá lớn hàng tháng; đồng thời còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Tuy nhiên, toàn bộ nguồn nước thải từ việc chế biến cá đều được các hộ sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua quy trình xử lý. Ngoài ra, môi trường xung quanh các lò hấp sấy cá do đó thường xuyên bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi tập trung gây nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt của bà con trong vùng.
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm được chỉ ra đó là trong khi các đơn vị chức năng của các địa phương vẫn còn chưa thực sự chú trọng tới việc kiểm tra, xử lý vi phạm thì ý thức của nhiều người dân cũng lại là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề. Ngoài việc thiếu mặt bằng sản xuất, nhiều hộ gia đình dù biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm song vì lợi ích kinh tế trước mắt mà họ vẫn cố tình vi phạm. Mặt khác, ý thức của mỗi người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái cũng như bảo vệ sức khỏe vẫn còn chưa cao.
Ngoài ra, tại một số ít làng nghề, dù đã được đầu tư hệ thống để xử lý nước thải nhưng hiện tất cả đều đã lạc hậu và xuống cấp. Do đó, việc xử lý không đạt các quy chuẩn về nước thải trước khi được xả thải ra môi trường. Vấn đề xử lý ô nhiễm tại các làng nghề còn khó khăn hơn rất nhiều so với các loại ô nhiễm khác bởi môi trường làng nghề còn liên quan đến các lĩnh vực như: Truyền thống văn hóa; kinh tế; thói quen của người dân ở mỗi địa phương.
Theo thống kê, hiện nay, chỉ có khoảng 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp; 20,9% số làng nghề có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Do đó, hàm lượng một số chất gây ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải của các làng nghề cho thấy đang vượt hàng chục lần so với tiêu chuẩn cho phép; cá biệt còn có nơi lên tới hàng nghìn lần.
Đồng nghĩa với tình trạng trên là tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề đang có xu hướng ngày càng giảm. Ước tính bình quân thấp hơn khoảng 10 năm so với ngưỡng tuổi thọ trung bình trong cả nước; thấp hơn từ 5- 10 năm so với những làng không làm nghề.
Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các cấp các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai những mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường đối với từng loại làng nghề, gắn với các hoạt động kinh tế- xã hội và văn hóa của cộng đồng làng nghề. Nhân rộng mô hình xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại các địa phương.
Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường làng nghề; trong đó, gắn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tiến hành di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương theo hướng quy hoạch tập trung thành cụm công nghiệp; chú trọng áp dụng quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm: Hệ thống đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; hình thành các khu sản xuất theo đặc thù loại hình làng nghề…
Trước mắt, các cấp, các ngành cần phối hợp với các Hội, đoàn thể trên địa bàn tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin để nâng cao nhận thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cộng đồng dân cư làng nghề nói riêng cũng như toàn dân nói chung. Nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; có chế tài cụ thể xử phạt nghiêm những hộ cố tình vi phạm...
Ngọc Thanh
http://baoninhbinh.org.vn/can-co-giai-phap-hieu-qua-de-khac-phuc-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-o-lang-nghe-ninh-van-20190702023735866p2c20.htm
https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/hai-phong-nhieu-giai-phap-de-xu-ly-moi-truong-tai-cac-lang-nghe-1260238.html
https://moitruong.net.vn/bao-dong-o-nhiem-moi-truong-tu-cac-lang-nghe-nong-thon-o-nghe-an/