Thời tiết cực đoan đang khiến vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước nằm trên địa bàn 4 huyện phía Đông tỉnh Gia Lai bị “thiêu cháy” vì hạn hán. Đã vậy, cơn đại hạn còn dẫn “giặc châu chấu” tràn về...
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê (Cty CP Đường Quảng Ngãi), vùng mía đang bị “giặc châu chấu” uy hiếp nằm trong vùng nguyên liệu của nhà máy thuộc địa bàn xã An Trung, huyện Kon Chro (Gia Lai), diện tích bị thiệt nặng có 3.000m2 (3 sào Tây Nguyên).
“Thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào, mưa giông nhiệt vào chiều tối đã khiến châu chấu tre lưng vàng xuất hiện. Chúng hoạt động mạnh vào lúc trời mát, thường từ 7 đến 10 giờ sáng và từ 15 đến 17 giờ chiều. Thời điểm này cây trồng vụ đông xuân trên địa bàn đã thu hoạch, châu chấu quay sang gây hại trên những diện tích mía đang trong giai đoạn vươn lóng”, ông Phước cho biết.
|
Vùng mía bị “giặc châu chấu” càn qua chỉ còn trơ xương lá. |
Cũng theo ông Phước, trong thời gian gần đây, do mía nguyên liệu có giá thấp nên nông dân lười chăm sóc, để ruộng cỏ mọc dày. Những đám cỏ là nơi cư ngụ lý tưởng để châu chấu ẩn náu, sinh sản.
“Châu chấu rất khoái lúa, bắp và tre. Tây Nguyên thì làm gì có nhiều tre và không canh tác lúa, chỉ có bắp là cây trồng chủ yếu. Thế nhưng thời điểm này cây bắp không còn đứng trên đồng nên châu chấu quay sang phá mía. Chúng đi thành đàn lớn và chỉ ăn lá, bầy châu chấu “lướt” qua là cả vùng lá mía chỉ còn trơ xương lá”, ông Phước cho biết thêm.
Theo Cục BVTV, châu chấu tre lưng vàng là 1 loài côn trùng hại nghiêm trọng đối với tre, luồng và nhiều loại cây trồng nông nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, đợt bùng phát đầu tiên vào năm 2005 tại 3 tỉnh giáp ranh với Lào, gồm Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn trên một số loại cây trồng, đặc biệt là lúa nương. Thời gian gần đây, dịch châu chấu có những nguy cơ lây lan từ Lào sang Việt Nam hết sức nguy hiểm.
|
Cận cảnh lũ châu chấu đang ăn lá mía. |
Để đối phó với nạn dịch châu chấu tre lưng vàng, ngành BVTV đã chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình diễn biến và tổ chức phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp ngay từ khi chúng mới nở. Kịp thời khảo nghiệm một số loại thuốc có hiệu lực cao trong phòng trừ châu chấu, đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, đồng thời phối hợp với một số doanh nghiệp thử nghiệm thiết bị phun châu chấu không cần nước, gồm dạng bột và dạng khói, để giúp các địa phương có giải pháp phòng chống châu chấu nhanh và hiệu quả.
Mặc dù công tác phòng chống trong thời gian qua đã được các địa phương đẩy mạnh, nhưng châu chấu tre lưng vàng vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Trước khi bước vào niên vụ mới, vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê có 26.000ha, tính đến nay hạn hán đã “khai tử” do chết cháy trên đồng mất 5.000ha, hiện chỉ còn 21.000ha. Nếu hạn hán còn kéo dài chắc chắn diện tích mía bị chết cháy sẽ còn tăng thêm. Ấy vậy mà bây giờ vùng nguyên liệu mía còn bị “giặc châu chấu” uy hiếp, quả là “họa vô đơn chí”!
“Nhà máy khuyến cáo bà con sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Karate 2,5EC, Sutin 5EC, Victory 585 EC… phun trừ châu chấu. Đồng thời vận động bà con áp dụng biện pháp thủ công là dùng vợt để bắt”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê. |