Ô nhiễm làng nghề- Bài toán nan giải cần sự chung tay của các cấp, các ngành
16:00 - 31/07/2019
(MTNT) - Nhiều năm trở lại đây, các làng nghề sản xuất trên khắp cả nước đã có sự đóng góp quan trọng đối với việc phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương. Bên cạnh việc giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làng nghề còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
|
Bên cạnh việc giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mặt trái của các làng nghề truyền thống lại là vấn đề gây ô nhiễm môi trường |
Hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề; trong đó, hơn 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề của Chính phủ. Đa số các làng nghề hiện đang tập trung sản xuất trong các lĩnh vực chủ yếu như: Thủ công mỹ nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, thuộc da; vật liệu xây dựng; tái chế phế liệu... Thông qua hoạt động sản xuất tại các làng nghề thu hút hơn 11 triệu lao động tìm được việc làm tại chỗ, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động ở nông thôn.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề đó là tại nhiều làng nghề cũng đang phải đối mặt với một thực tế đáng báo động- chính là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở mức độ nghiêm trọng. Các làng nghề hiện cũng có sự phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền; cụ thể: 60% làng nghề đang tập trung tại khu vực phía Bắc; 23,6% ở khu vực miền Trung; các tỉnh, thành miền Nam chỉ chiếm khoảng 16,6%.
Thành phố Hà Nội là địa phương đang tập trung số lượng làng nghề lớn nhất của cả nước. Theo UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá, tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt tới 20.000 tỷ đồng (năm 2017). Cùng với đó, các làng nghề cũng đã có công rất lớn khi góp phần tích cực để giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động dôi dư trong quá trình đô thị hoá.
Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của mỗi lao động tại các làng nghề và làng nghề truyền thống ngày càng tăng. Điển hình cho các quận, huyện có mức thu nhập bình quân cao (đạt trên 50 triệu đồng/người/năm) như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông… Đáng chú ý, một số ngành nghề còn có mức thu nhập rất cao (trên 70 triệu đồng/năm) như: Gốm sứ; dệt lụa; đồ gỗ gia dụng…
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và hiệu quả kinh tế mang lại, qua khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn thành phố cho thấy, phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai tại các làng nghề đều đã bị ô nhiễm. Thậm chí, nhiều nơi tình trạng ô nhiễm còn nặng tới mức đáng báo động. Đã có một số làng nghề thậm chí còn bị liệt vào danh sách đen về tình trạng ô nhiễm môi trường. Điển hình tại các xã như: Xã Tân Triều (huyện Thanh Trì); xã Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh); xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên); xã Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức)…
Tại địa bàn xã Tân Triều- huyện Thanh Trì, từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của làng nghề gây ra nên đã gây bức xúc với người dân sinh sống trong khu vực. Xã có 2 làng Triều Khúc và Yên Xá đều làm nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa… Ngoài ra, còn có một số nghề truyền thống khác như: Nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng…
Những nghề này mặc dù đem lại nguồn thu nhập ổn định cho dân cư ở trong các làng, nhưng đây cũng là lý do chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Do phần lớn các cơ sở sản xuất trong làng đều chỉ ở mô hình nhỏ lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm nên hầu như không có đủ nguồn vốn để đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, rác thải.
Qua nhiều năm, bụi bặm, nước thải dần dần trở nên đặc quánh, bốc mùi tại các con mương xung quanh; làng nghề do đó cũng bị bủa vây bằng một thứ không khí ngột ngạt, khó thở. Độ ô nhiễm nặng nề đến mức, tại hầu hết các ao, hồ trong làng đều không thể tìm thấy bóng dáng hay sự tồn tại của bất kỳ loài thực vật thủy sinh nào. Thậm chí, Tổng cục môi trường đã phải đưa ra kết luận đối với làng nghề Tân Triều là 1 trong 8 làng nghề của thành phố cần được đưa vào diện xử lý về môi trường.
Tại Nam Định, làng nghề sơn mài, sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại địa bàn xã Yên Tiến- huyện Ý Yên đang có khoảng 3.000 hộ tham gia sản xuất. Những năm qua, từ các sản phẩm sơn mài, tre, nứa, mộc mỹ nghệ khéo léo, tinh xảo, được thị trường cả trong và ngoài nước đón nhận đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng diễn ra cho thấy đa số các hộ dân trong làng nghề đều đang sản xuất dưới hình thức thủ công, nhận làm khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, do đó còn nhiều hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường.
Đặc thù của công việc này là người dân thường phải tiến hành ngâm toàn bộ số tre, nứa trước khi đưa vào sản xuất để tránh trường hợp các sản phẩm mỹ nghệ sau khi làm ra thành phẩm lại bị mối mọt hoặc cong vênh. Quá trình ngâm nước để xử lý nguyên vật liệu của bà con lại thường diễn ra tại các con sông hoặc kênh, mương dẫn nước. Theo ước tính, làng nghề hiện tiêu thụ khoảng 100 tấn tre, nứa/ngày. Đồng nghĩa là tình trạng ô nhiễm môi trường nước diễn ra hết sức nghiêm trọng.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng ô nhiễm ở làng nghề cơ khí, đúc đồng Tống Xá thuộc địa bàn xã Yên Xá- huyện Ý Yên. Những năm qua, nghề đúc đồng truyền thống phát triển mạnh với hơn 60% hộ dân trong xã làm nghề. Từ đó, đã tạo nên sức bật đáng kể kinh tế của địa phương, nhiều hộ dân trở nên khá giàu. Thế nhưng, mặt trái của nghề này cũng để lại nhiều vấn đề nhức nhối về môi trường.
Trước hết, đa số các xưởng cơ khí, đúc đồng hiện đang phải sản xuất trong những điều kiện hết sức thiếu thốn. Do không gian nhà xưởng chật hẹp, bí bức làm cho không khí từ các lò nấu kim loại bốc lên nồng nặc, cộng thêm rất nhiều tiếng ồn đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân sống xung quanh. Đáng lo ngại nhất chính là nguồn nước thải độc hại chưa được xử lý từ những cơ sở sản xuất vẫn ngày đêm thải ra làm ô nhiễm các dòng sông, kênh trên địa bàn. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, nước thải của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm; các thông số như: COD, Sunfua, Amoni... đều vượt giới hạn cho phép.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay, chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp; 20,9% số làng nghề có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Đây đang là một vấn đề và thách thức lớn trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, mà nhất là tại các làng nghề truyền thống.
Thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu và sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất trong dây chuyền sản xuất. Hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép; đáng chú ý, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề sản xuất mây- tre- giang và chế biến nông sản, thực phẩm còn cao hơn rất nhiều lần.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng một số chất gây ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải của các làng nghề đo được đều cho thấy đang vượt hàng chục lần so với tiêu chuẩn cho phép; cá biệt còn có nơi lên tới hàng nghìn lần.
Mặt khác, khối lượng lớn chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề cũng chưa được thu gom, xử lý triệt để… Tất cả những nguyên nhân trên đều đã gây những tác động xấu, làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả những người đang trực tiếp lao động hàng ngày lẫn dân cư sinh sống tại các làng nghề.
Qua một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây; tập trung vào một số loại bệnh như: Các bệnh ngoài da; hô hấp; tiêu hóa; thần kinh; bệnh phụ khoa; ung thư... Cũng vì thế mà tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề đang có xu hướng ngày càng giảm xuống (bình quân thấp hơn 10 năm so với ngưỡng tuổi thọ trung bình trong cả nước và thấp hơn từ 5- 10 năm so với những làng không làm nghề).
Để góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn chỉnh chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; đồng thời xây dựng các quy định về vệ sinh môi trường tại các làng nghề và quy chuẩn quốc gia về khí thải, nước thải cho phù hợp với các cơ sở sản xuất ở các làng nghề.
Bên cạnh đó, các Sở TN&MT cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp các làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm theo hướng bền vững. Trước tiên, đối với các làng nghề, cần tập trung xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; vận động khuyến khích các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới để không làm ảnh hưởng đến môi trường; tiến hành xây dựng một số trạm xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến nông sản có mật độ ô nhiễm cao.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội như: Hội ND, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; Đoàn thanh niên… trong công tác vận động, tuyên truyền. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cả cộng đồng dân cư tại các làng nghề về vấn đề bảo vệ môi trường. Khuyến khích việc triển khai xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường làng nghề như: Mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với bảo vệ môi trường...; đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động giám sát tại khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm về môi trường trong các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình để báo cáo các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật...
https://dantocmiennui.vn/xa-hoi/cai-thien-moi-truong-cac-lang-nghe-tai-nam-dinh/230484.html
https://moitruong.net.vn/bao-dong-o-nhiem-moi-truong-tu-cac-lang-nghe-nong-thon-o-nghe-an/
Như Cương