Miền Trung nắng nóng kéo dài, nông dân có nguy cơ mất trắng hoa màu
16:00 - 28/06/2019
(MTNT) – Từ đầu năm 2019, do ảnh hưởng của El Nino đã gây nên tình trạng nắng nóng trên diện rộng, kéo dài tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung. Với nền nhiệt liên tục tăng cao, độ ẩm giảm xuống, lượng bốc hơi nhanh khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu của bà con nông dân chậm phát triển, khô héo, thậm chí có nguy cơ mất trắng.

Tại địa bàn một số tỉnh, thành ở miền Trung, nhiều diện tích canh tác lúa của bà con nông dân đang lâm vào tình trạng thiếu nước nặng, có nguy cơ mất trắng do khô hạn


 
Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, thời điểm gần cuối tháng 4/2019, mặc dù vụ lúa Đông- Xuân năm 2018- 2019 đang vào thời kỳ trổ bông nhưng đã có tới gần 110 ha diện tích lúa lâm vào tình trạng thiếu nước nặng (bị khô nước, nứt nẻ). Đặc biệt, khoảng 57 ha lúa bị hạn nặng, khô cháy và không còn khả năng phục hồi. Trong đó, nặng nhất là huyện Phú Vang chiếm 42 ha, chủ yếu tập trung ở một số địa phương như các thôn: Lương Viện, Viễn Trình thuộc xã Phú Đa; số diện tích còn lại ở địa bàn huyện Phú Lộc với các xã bị thiệt hại gồm: Lộc Điền, Vinh Hưng, Vinh Giang.

 
Theo đánh giá của ngành chức năng trong tỉnh, nếu thời tiết vẫn xấu, không có mưa, lượng nước tại các sông, suối thiếu hụt nghiêm trọng thì diện tích bị hạn nặng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Ước tính, cuối vụ Đông- Xuân, diện tích lúa có khả năng bị hạn vào khoảng 600 ha, tập trung ở địa bàn các vùng vốn chịu nhiều khó khăn thuộc các huyện như: Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

 
Đối với thị xã Hương Trà, là một trong những vùng trọng điểm chuyên canh về trồng lạc của toàn tỉnh, với tổng diện tích sản xuất gần 1.000 ha. Tuy nhiên, hiện có tới hơn một nửa diện tích canh tác trên địa bàn đang không chủ động được về nguồn nước tưới. Trong số đó, diện tích trồng lạc có nguy cơ mất trắng khoảng 130 ha; diện tích bị thiệt hại từ 30%- 70% gần 150 ha; diện tích bị thiệt hại dưới 30% là 230 ha. Như vậy, ước tính bình quân mức thiệt hại của bà con vào khoảng từ 60- 70 triệu đồng/ha.

 
Hiện nhiều hộ nông dân ở vùng gò đồi thuộc các Hợp tác xã nông nghiệp Văn Xá Đông, Văn Xá Tây, Tây Xuân trên địa bàn thị xã cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi hàng trăm ha trồng lạc chuẩn bị cho thu hoạch có nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Theo người dân địa phương, đây là đợt hạn hán kỷ lục, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với bà con nông dân. Không những thế, hiện nay trên cây lạc còn uất hiện thêm tình trạng sâu bệnh, rầy và nhện đỏ phát triển nhanh.

 
Gia đình chị Lê Thị Hiền Nhi ở thôn Phú Ốc, phường Tứ Hạ- thị xã Hương Trà canh tác 2 sào lạc. Do nắng hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng và thiệt hại tới hơn 1/3 diện tích sản xuất; số còn lại gia đình chị cũng đang cố gắng nhanh chóng thu hoạch nhưng năng suất bị giảm khá nhiều. Nếu như những năm trước, cùng diện tích canh tác như vậy chị có thể thu hoạch gần 4 tạ lạc thì năm nay, may mắn lắm cũng chỉ được gần 2 tạ.

 
Ngoài ra, nắng nóng còn làm cho hạt lạc bị khô lép, do đó giá bán cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước, chỉ còn từ 14- 16 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, do hạt lạc bị lép, chất lượng giảm sút nên việc dự trữ giống cho vụ mùa tới cũng rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ thiếu nguồn giống.

 
Tỉnh Nghệ An hiện cũng có tới trên 100 ha hoa màu bị chết khô, chủ yếu bà con nông dân canh tác cây lạc và ngô và tập trung ở địa bàn các huyện như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương. Theo thống kê cho thấy, khoảng 70% diện tích canh tác của bà con bị ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Ngoài ra, có gần 1.000 ha trồng các loại hoa màu khác cũng bị hạn, nếu như tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì diện tích này dự báo cũng sẽ bị mất trắng. 
 

Gia đình bà Phan Thị Xuân ở xã Hưng Nhân- huyện Hưng Nguyên vụ này tập trung trồng 6 sào lạc, tưởng như sắp được thu hoạch thì giờ đây cây trồng cứ khô héo, gãy giòn rồi chết dần từng đám. Nếu như được mùa, mỗi sào lạc sẽ cho bình quân 2 tạ củ, sau khi đem bán và trừ hết mọi chi phí, bà con nông dân sẽ thu lãi được khoảng 2 triệu đồng/sào. Thu nhập của gia đình bà trước giờ đều dựa chủ yếu vào cây trồng này, thế nhưng giờ thì bà trắng tay.

 
Gia đình anh Phạm Văn Oanh cùng ở xã Hưng Nhân tận dụng vùng bãi đất pha cát ven sông Lam để canh tác 15 ha ngô đem bán cho một công ty chăn nuôi bò sữa tại địa phương dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trước tình hình nắng nóng khắc nghiệt như năm nay, đúng vào thời điểm khi hạt ngô đã bắt đầu căng sữa, chuẩn bị thu hoạch thì lá cây trở nên khô héo, thân cây gãy gập. Ước tính bình quân mỗi ha ngô canh tác đủ tiêu chuẩn cho doanh nghiệp thu mua, bà con nông dân phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng thì khi bán sẽ thu về từ 28- 30 triệu đồng, nay đành mất trắng cả.

 
Tại tỉnh Phú Yên, tình trạng nắng nóng kéo dài cũng làm cho hàng trăm ha cây trồng cạn của bà con bị khô nước, chậm phát triển. Diện tích khô hạn tập trung tại các huyện miền núi như: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh... Cùng với đó, nhiều diện tích trồng hoa màu của bà con nông dân ở những vùng đất soi cạnh bờ sông cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nơi người dân đã phải tự bỏ tiền đào ao để tìm kiếm nguồn nước tưới.

 
Trên những cánh đồng trồng bí, mướp, dưa của bà con nông dân ở các xã An Hòa, An Mỹ, An Chấn thuộc huyện Tuy An, người dân đang phải nỗ lực tự bỏ chi phí để đào ao, khoan giếng tìm nguồn tưới cho hoa màu. Gia đình ông Phan Văn Tiến ở xã An Hòa mặc dù gần đây đã phải bỏ tới gần 10 triệu đồng thuê thợ về đào ao tìm nước tưới giúp cho diện tích canh tác hoa màu không bị chết héo, thế nhưng hiện nguồn nước vẫn rất khan hiếm.

 
Tại tỉnh Hà Tĩnh, cây chè đang được ngành chức năng xác định là loại cây trồng chủ lực để thay thế dần các diện tích trồng keo, tràm… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, trước tình trạng diễn biến thời tiết khắc nghiệt như năm 2019 này, hiện trên địa bàn xã Kỳ Thượng- huyện Kỳ Anh có tới gần 200 ha canh tác chè của bà con nông dân (trong đó có khoảng 100 ha mới trồng vài năm tuổi) bị thiêu đốt dưới sức nóng của cái nắng gây những thiệt hại không nhỏ.

 
Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 300 hộ trồng chè. Trong đó, ngoại trừ 1/3 số hộ đã trồng chè lâu năm nên có điều kiện kinh tế khá hơn đã tự bỏ tiền đầu tư được hệ thống bơm, tưới. Còn lại 2/3 số hộ dân với khoảng 130 ha canh tác chè, chủ yếu là diện tích mới trồng trong vài năm lại nay đang lâm vào tình trạng khô hạn, thậm chí có khoảng 5 ha đang có nguy cơ chết cháy.

 
Từ năm 2013, gia đình chị Phạm Thị Châu ở thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng nhờ được sự vận động của chính quyền xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với 3 sào đất, chị tham gia vào vùng quy hoạch trồng mới chè của toàn xã. Thế nhưng, năm nay tình trạng khô hạn kéo dài, cùng với những đợt nắng nóng mà nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C khiến chị không có cách gì để chống hạn cho cây trồng, nhiều diện tích chè của gia đình đã cháy khô; biết bao công sức, vốn liếng gia đình chị đã đổ ra cho đồi chè nay đành sắp đổ sông, đổ biển.

 
Gia đình anh Lê Văn Ngọc ở thôn Phúc Môn, xã Kỳ Thượng vô cùng lo lắng trước nguy cơ mất trắng 14 sào trồng chè. Gia đình anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để đào hồ và mua vật liệu, thiết bị lắp hệ thống bét tưới phun sương nhằm chống hạn, bảo toàn diện tích canh tác. Đây là một khoản đầu tư không hề nhỏ, nhưng nếu chần chừ thì toàn bộ diện tích chè mới trồng của gia đình chắc chắn sẽ khô cháy dưới thời tiết khắc nghiệt này.

 
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn bà con đối với những vùng chè thiếu nước cần được tấp ủ, che nắng bằng nhiều cách để giúp cầm cự với cái nắng nóng. Dù vậy, ở thời điểm này cây trồng cũng không thể cho thu hoạch chè lá như bình thường. Thậm chí, có thể phải đợi sau khoảng từ 3- 4 tháng, khi qua mùa nắng nóng, số diện tích chè đã kiệt sức vì khô hạn may ra mới có thể lấy lại được năng suất chè tương đối như vào thời điểm thời tiết thuận lợi.

 
Để khắc phục tình trạng hạn hán còn có thể kéo dài, chính quyền các địa phương đã tích cực chỉ đạo việc tiến hành rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của nắng nóng, hạn hán tới đời sống của nhân dân. Từ đó, các ngành sản xuất cần xây dựng những kế hoạch ứng phó cụ thể để giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại, giúp bà con nông dân trên các địa bàn sớm ổn định sản xuất và đời sống.

 
Các địa phương cần tập trung duy trì nạo vét, khơi thông, vớt bèo để giúp thông thoáng dòng chảy của các con sông, tuyến kênh mương nội đồng, qua đó giúp tích trữ nước. Đồng thời, chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết; nạo vét sông, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ… Mặt khác, ngành chức năng tại các địa phương cũng cần điều chỉnh lịch thời vụ cụ thể; cơ cấu lại giống cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa bàn; chủ động chuyển đổi sớm cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy trong vụ Hè - Thu năm 2019.


 
Trọng Dũng

 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn