Vì sao cá chết trắng sông La Ngà?
18:55 - 02/06/2019
(MTNT)- ĐT Khúc sông La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) lại là tâm điểm trên mặt báo thời gian gần đây với hình ảnh những bè cá chết trắng. Một năm trước, gần 2.000 tấn cá “đột tử”, cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân do thiên tai. Năm nay, lại thêm lần nữa “cá chết vì thiên tai”. Trong khi đó người nuôi cá cho rằng nguyên nhân do các công ty gần đó xả thải ra môi trường.
|
1500 tấn cá của hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè chết trắng mặt sông (ảnh:soha) |
Theo thống kê, trong đợt cá chết vừa qua, xã La Ngà có 40 hộ với 165 vèo (nuôi cá lăng), 17 bè cá bị thiệt hại với tổng sản lượng gần 428 tấn cá; xã Phú Ngọc có 41 hộ với 143 vèo, 9 bè cá bị thiệt hại với khoảng 548,5 tấn cá.
Cá chết chủ yếu là cá chép, cá lăng, cá diêu hồng, cá mè... Trong đó đa số là cá lớn gần đến kỳ thu hoạch nên mức thiệt hại càng cao.
Nhiều người nuôi cá cho biết trước mỗi mùa mưa họ đều được cảnh báo về giảm đàn, sớm xuất cá để tránh thiệt hại.
Tuy nhiên họ cũng chia sẻ rằng việc giảm đàn cá sẽ dẫn đến việc bị giảm thu nhập, tính toán trừ hết công chăm sóc, thức ăn,…. thì sẽ không có lời. Vì thế họ vẫn chấp nhận “đánh bạc”, mỗi năm lượng cá nuôi tại các bè vẫn rất nhiều và cứ mỗi đợt mưa xuống lại nơm nớp lo sợ.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: "Muốn có cơ sở kết luận, từ hiện tượng cá chết phải rà soát lại toàn bộ nguồn xả thải. Mưa lớn thì cũng phải từ đâu ô nhiễm chảy xuống, tất nhiên cũng không loại trừ nếu trong trường hợp mưa, nồng độ PH trong nước mưa cao cũng có thể xảy ra tình trạng cá sốc nhưng phải đánh giá kỹ mới đưa ra kết luận rõ", Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho hay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo làm rõ việc này. Hiện Bộ đã giao cho Cục Kiểm tra môi trường miền Nam thanh tra các cơ sở xả thải gần khu vực cá chết một lần nữa.
Vì đây là thanh tra đột xuất đặc biệt chứ không phải thanh tra định kỳ nên không thể xác định được thời gian thanh tra kéo dài trong bao lâu, nếu cần thiết có thể gia hạn thêm để đánh giá đầy đủ.
Khó khăn nhất hiện nay là làm sao đánh giá lại các nguồn xả thải, tất nhiên nguồn xả hiện nay có rồi nhưng để tiến hành xem xét cả trước cả sau khi sự việc cá chết xảy ra đòi hỏi mất nhiều thời gian", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Được biết, từ kết quả phân tích của các ngành chức năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai sẽ chủ trì, làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Định Quán để công bố chính thức nguyên nhân cá chết. Đồng thời bàn thực hiện việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai theo quy định và giải pháp để không tái diễn tình trạng cá bè chết hàng loạt trong thời gian tới.
Trước đó, sau khi vào cuộc xác định nguyên nhân cá chết, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai và Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đều nhận định do mưa cuốn theo chất bẩn từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, lượng nước lớn đổ về khu vực các bè nuôi trên sông, khiến cá thiếu ô-xy, dẫn đến chết hàng loạt.
Liên quan đến sự việc 1.000 tấn cá chết trắng trên sông La Ngà (Đồng Nai), mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng này và triển khai các biện pháp xử lý triệt để.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, trường hợp nguyên nhân cá chết là do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải lớn ra sông La Ngà, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư tố cáo của nhân dân.
Đối với lượng cá chết, tỉnh Đồng Nai thực hiện thu gom, xử lý cá chết kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả công việc trên tỉnh Đồng Nai phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2019.
Như Ngọc