Sau phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) và xã Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) dập tắt ổ dịch tả lợn châu Phi, đã có thêm xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) khống chế thành công ổ dịch.
|
Thứ trưởng Bộ NNPTNT kiểm tra ổ dịch tả lợn châu Phi tại Đại Đồng khi mới phát sinh. |
Cụ thể, sau khi bùng phát ổ dịch ngày 4/3, đến nay, trên địa bàn xã Đại Đồng không phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện công bố hết dịch tả lợn châu Phi
Trước đó, sáng 4/3, UBND huyện Tứ Kỳ đã công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Đại Đồng. Đã có 47 con lợn từ 1,5 - 3 tháng tuổi, tổng trọng lượng hơn 2,3 tấn của gia đình ông Vũ Văn Trinh buộc phải tiêu hủy.
Vùng dịch được xác định ở thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng; vùng bị dịch uy hiếp gồm các thôn còn lại trong xã Đại Đồng và các xã lân cận trong phạm vi bán kính 3 km gồm: Hưng Đạo, Kỳ Sơn, Tái Sơn và Bình Lãng.
Trong thời gian có dịch, UBND huyện yêu cầu các cơ quan liên quan của huyện, UBND các xã thuộc vùng dịch và vùng bị uy hiếp nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm giết mổ lợn, ra vào địa bàn xã Đại Đồng. Phòng NNPTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đôn đốc các xã trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bao vây dịch, không để dịch lây lan.
Ngay sau khi ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở xã Đại Đồng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác của Bộ đã xuống kiểm tra. Tại đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương cần tham mưu, hướng dẫn cho chính quyền và các hộ có lợn bị dịch xử lý nguồn nước thải, chất thải. Hiện nay, nước thải của khu vực nuôi nhốt lợn bị bệnh xả trực tiếp xuống ao nuôi cá, trong khi đó, virus DTLCP có thể tồn tại rất lâu trong môi trường.
Do vậy, cần phải xử lý hóa chất ao nuôi cá để tiêu diệt mầm bệnh mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của cá. Đồng thời, hướng dẫn hộ dân có lợn bị thiệt hại khử trùng toàn bộ đồ dùng sinh hoạt và hạn chế ra khỏi vùng dịch.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra hố tiêu hủy, ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra môi trường. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với các sản phẩm từ thịt lợn, gây thiệt hại hơn nữa cho người chăn nuôi.
Sau 1 tháng căng mình chống dịch, trên địa bàn xã Đại Đồng không phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.
Cục Thú y cho biết, việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể vận chuyển lợn đi nơi khác tiêu thụ, thúc đẩy giao thương, đồng thời có thể tái đàn theo quy định.
Bên cạnh Hải Dương, ổ dịch trên địa bàn xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Nếu hôm nay không phát sinh ổ dịch mới, địa phương này cũng có thể công bố hết dịch tả lợn châu Phi.