Phú Thọ: Dân trắng tay, mắc nợ vì cá lồng chết hàng loạt
08:00 - 30/08/2018
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, liên tiếp 3 lần cá lồng nuôi của bà con ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ chết hàng loạt, đó là chưa kể hàng ngày cá vẫn chết rải rác. Điều này khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, lâm nợ nần.

Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, hiện tại trên sông Đà, thuộc địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nghề nuôi cá lồng đang tiêu điều hơn bao giờ hết. Các chủ lồng cá mặt buồn rười rượi, cá chết nổi trắng lồng không buồn vớt, nhiều lồng cá còn bị người dân bỏ bê không buồn ngó ngàng tới...
 

Nhìn những lồng cá chỉ còn lác đác vài con đang bơi lững lờ, như chờ chết, ông Dương Tiến Dũng, trú tại khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy ngao ngán nói: Cá bắt đầu chết hàng loạt từ ngày 7/8, khi thủy điện Hòa Bình tiến hành xả đáy. Đến ngày 11 – 15/8, cá lại tiếp tục chết, đến nay, tuy số lượng cá chết giảm dần, nhưng có những lồng cũng bị thiệt hại tới 10%.

Nhiều gia đình ở huyện Thanh Thủy rơi vào cảnh trắng tay, mắc nợ vì cá lồng liên tiếp chết hàng loạt.


“Mấy tấn cá chuẩn bị đến ngày xuất bán, bỗng nhiên lăn ra chết hết khiến gia đình tôi rơi vào cảnh trắng tay, bỗng dưng mắc nợ, không biết bao giờ có thể hồi phục lại nghề nuôi cá lồng nữa”, ông Dũng buồn rầu.
 

Theo những người nuôi cá nơi đây, ban đầu cá trong lồng có hiện tượng bị phồng da, nổ lỗ chỗ, có nhiều nốt màu hồng, sau đó ngáp nổi và chết. Cá rô phi giống thì mắt lồi, nổ mắt và chết.

Dọc theo tuyến sông Đà từ xã Xuân Lộc lên đến Phượng Mao, huyện Thanh Thủy hiện có 321 lồng cá, người dân nuôi thả chủ yếu là các loại cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm.
 

Ông Thiều Minh Thế, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Thanh Thủy cho biết, hợp tác xã hiện có hơn 340 lồng cá của 30 hộ dân, trong đó riêng xã Xuân Lộc có gần 150 lồng. Từ ngày 11/8 đến nay, cá lồng chết hàng loạt khiến người nuôi bị thiệt hại nặng nề, nhiều nhà lâm cảnh trắng tay, nợ nần khi tỷ lệ cá chết trong lồng lên tới 80%.
 

Ông Bùi Ngọc Thanh, ở khu 5, xã Xuân Lộc chia sẻ, gia đình vay mượn làm được 7 lồng, sau hai đợt xả lũ, cơ bản cá đã hết sạch, hiện có 3 lồng đã kéo lưới bọc lồng lên treo.
 

“Giờ cả gốc, lãi ngân hàng, tiền cám hàng trăm triệu chưa biết lấy nguồn đâu mà trả. Lồng cá đầu tư cả trăm triệu đồng giờ cũng bỏ không biết làm gì. Nếu thủy điện cứ liên tục xả cửa đáy như 1-2 năm trở lại đây thì hàng trăm hộ nuôi cá lồng phải bỏ cuộc, ôm theo gánh nặng nợ nần…”, ông Thanh cho biết.


Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn