Tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long
10:05 - 16/08/2022
(MTNT) – Trong những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu gay gắt đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng tới các tỉnh, thành phố của nước ta nói chung. Đặc biệt, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đứng trước những thách thức to lớn của thiên tai, trong đó có hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực trạng cho thấy tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL thời quan gia thậm chí còn đang tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và quy mô, làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng

 
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực trạng cho thấy tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL thời quan gia thậm chí còn đang có xu thế tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều địa bàn trong khu vực, vấn đề xói lở đã gây uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như gây tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của các vấn đề kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

 
Theo con số thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, ước tính bình quân mỗi năm, 13 địa phương ở khu vực ĐBSCL đang bị nước cuốn trôi từ 300- 500 ha đất. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn hộ dân buộc phải di dời nhà cửa, tài sản khỏi những vùng nguy hiểm do hiện tượng sạt lở gây ra.

 
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 cho thấy, tính đến cuối thế kỷ XXI, đối với kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP 4.5), khu vực phía Nam nhiệt độ sẽ tăng từ 1,7- 1,9oC; lượng mưa hàng năm tăng phổ biến từ 5- 15%, có nơi trên 20% và có xu thế tăng vào mùa mưa, giảm vào mùa khô; mực nước biển dâng trung bình là 53cm. Trường hợp nước biển dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích của đồng bằng sông Hồng, 17,84% diện tích thành phố Hồ Chí Minh và 38,9% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập.
 

Bên cạnh đó, các đợt bão mạnh, siêu bão xuất hiện ở khu vực Biển Đông làm ảnh hưởng đến nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng cũng có xu thế gia tăng cả về tần suất xuất hiện và cường độ. Hoạt động của các đới gió mùa Đông Bắc và Tây Nam cũng có diễn biến rất phức tạp… Đó đều là những yếu tố cơ bản làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

 
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cũng đã công bố kịch bản mới nhất về biến đổi khí hậu năm 2020. Theo đó, nếu mực nước biển dâng 80 cm2, ĐBSCL sẽ là khu vực có nguy cơ ngập rất cao, khoảng 31,94% diện tích. Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu thậm chí sẽ còn có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố khác như: Nâng hạ địa chất; thay đổi địa hình; sụt lún; thủy triều; nước dâng do bão…

 
Trong khi đó, ĐBSCL vốn được đánh giá là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng đang là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Qua công tác quản lý và thống kê của các địa phương cho thấy, hiện ĐBSCL vẫn còn 73 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải được xử lý, với tổng chiều dài khoảng 132 km2.

 
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu tính từ thời điểm năm 2010 tới nay, tình trạng sạt lở đã có những diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Vấn nạn này không những làm uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển; làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL… Tất cả những điều này đã gây ra tác động nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

 
Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng nhất đó là hiện tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô. Điều này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch, với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn. Đặc biệt, đối với một số khu vực được xem là điểm nóng hiện nay thì tình trạng này còn xuất hiện với tần suất nhiều hơn và quy mô lớn hơn.

 
Qua thực tế cho thấy, theo qui luật hàng năm, hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thường xảy ra nghiêm trọng hơn vào khoảng thời gian đầu và cuối của mùa mưa lũ.

 
Thời điểm cuối năm 2019, tại một số địa phương trong khu vực như: Thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang; thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)… đã liên tiếp xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển làm cuốn trôi nhiều nhà dân. Đồng thời còn uy hiếp cắt đứt nhiều đoạn giao thông huyết mạch ở các địa phương này. ĐBSCL có tới 7 tỉnh, thành phố phải công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp bờ sông, 
bờ biển.

 
Thống kê từ tỉnh Đồng Tháp cho thấy, có khoảng hơn 6.000 hộ dân đang sinh sống trong vùng vành đai sạt lở (có nơi lên tới 60 m2). Trong đó, có hơn 3.500 hộ dân đang sống trong khu vực được đánh giá là vành đai sạt lở nguy hiểm. Đáng chú ý, số lượng các điểm sạt lở ngày càng gia tăng, ước tính mỗi năm toàn tỉnh mất đi từ 30- 50 ha đất.

 
Tính đến tháng 6 năm 2019, tình trạng sạt lở đã gây thiệt hại về kinh tế cho tỉnh Đồng Tháp tới gần 50 tỷ đồng. Chỉ tính dọc theo sông Tiền và sông Hậu đã có 21 xã, phường bị sạt lở, với 85 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 29 km2. Tại đoạn sông Nha Mân (huyện Châu Thành) cũng đã xảy ra sạt lở khiến cho 5 căn nhà của người dân bị sụt lún và chìm dưới nước, 7 hộ dân khác được yêu cầu bắt buộc phải di dời khỏi nơi nguy hiểm.

 
Thành phố Cần Thơ cũng đã thống kê tới 20 điểm xảy ra sự cố sạt lở với tổng chiều dài hơn 400 m2. Tình trạng này gây ảnh hưởng và làm sụp đổ hàng chục căn nhà của người dân trong vùng. Theo ước tính, giá trị thiệt hại tài sản có thể lên tới gần 15 tỷ đồng. Tính chung trong toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm đánh giá có nguy cơ cao và đặc biệt nguy hiểm.

 
Bước vào “mùa sạt lở 2021”, tại địa bàn các tỉnh gồm: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… cũng vẫn liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương khu vực ĐBSCL phải tập trung tìm giải pháp, khẩn trương xử lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.

 
Cụ thể, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Cà Mau thống kê được toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển. Do đó, làm hư hỏng gần 200 m2 đường bê tông; thiệt hại 22 căn nhà của người dân; gây ảnh hưởng đến hoạt động của 3 trại tôm giống trên địa bàn...

 
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đánh giá, trước tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu liên tiếp, phức tạp đã khiến cho 3 mặt biển tại địa phương này thường xuyên xuất hiện những đợt sóng lớn đánh thẳng vào bờ, gây sạt lở nhiều tuyến đê biển. Tuyến đê biển Tây, đoạn qua huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 1.700 m2, gây nguy cơ vỡ đê cao.

 
Tại tỉnh đầu nguồn là An Giang, vụ sạt lở bờ sông Châu Đốc xảy ra vào tháng 6 năm 2021 trên địa bàn ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú đã khiến cho 70 m2 bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền khoảng 15 m2, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 6 nhà dân. UBND tỉnh đã phải kịp thời ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực này.

 
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL. Bao gồm các tỉnh như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ...

 
Hiện nay, mùa mưa lũ năm 2022 mới bắt đầu, song đã có những diễn biến bất thường về các yếu tố thời tiết. Nhất là vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với các tác động tiêu cực của hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia ở phía thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL tiếp tục có những diễn biến đáng lo ngại.

 
Mới đây, ngay trong những ngày đầu của tháng 7, tại khu vực đê biển Tây ở xã Khánh Bình Tây- huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) vừa xảy ra vụ nước biển tràn qua đê từ 15- 20 cm2. Do đó đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đê biển Tây với chiều dài khoảng 110 m2, gây tràn cục bộ làm ngập hơn 300 nhà dân. Chính quyền tỉnh ngay lập tức đã phải phản ứng kịp thời, trực tiếp đến chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

 
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sạt lở bờ sông được chỉ ra, trước hết là do biến đổi khí hậu và các công trình xây dựng đầu nguồn sông Mê Kông khiến cho dòng nước chảy mạnh hơn, dễ gây sạt lở. Ở phía hạ nguồn, nhiều công trình xây dựng ở sát bờ sông cũng khiến cho tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

 
Đáng lo ngại hơn cả chính là trong tất cả những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở, các yếu tố có sự tác động của con người lại đang trở thành điểm mấu chốt. Do đó, những hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với sự can thiệp quá mức của con người vào thiên nhiên đã gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp như vừa qua và đang trở thành vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

 
Có thể thấy, tác động đến thủy văn dòng chảy do việc phát triển thủy điện phía thượng lưu. Vì vậy, ở vào thời điểm này khi hiện tượng dòng chảy, bùn cát trên sông Mê Kông sụt giảm trong những năm gần đây là điều hết sức bất thường. Triều cường liên tục tăng cao trong những năm gần đây và đã làm gia tăng tốc độ dòng chảy trên dòng chính. Việc phát triển đê bao, bờ bao ngoài những lợi ích thấy rõ nhưng đồng thời cũng làm gia tăng tốc độ gây xói mòn.

 
Bên cạnh đó, nghề nuôi trồng thủy sản mà đặc biệt là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, các loài nhuyễn thể... phát triển mạnh tại hầu hết các địa phương ven biển. Dù chính nghề này đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh nhưng với sự phát triển kiểu tự phát, tràn lan, thiếu tính quy hoạch đã làm tàn phá nhiều ha rừng ngập mặn ven bờ biển. Thậm chí, nghề nuôi trồng thủy sản đã có những dấu hiệu gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái…

 
Tất cả những điều này đã và đang làm gia tăng nguy cơ phá vỡ quá trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong khu vực. Hậu quả trước mắt làm mất cân bằng địa động lực vùng bờ, gây nên sự xói lở bờ nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

 
Đặc biệt, nguy hiểm hơn cả là hoạt động khai thác cát, sỏi dưới lòng sông một cách ồ ạt, bừa bãi trong những năm gần đây. Trong những nghiên cứu và báo cáo từ các địa phương cho thấy, vấn đề khai thác cát sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tác động trực tiếp đến việc thay đổi dòng dẫn.  

 
Hiện ĐBSCL đang là cao điểm của mùa mưa, những cơn mưa kéo dài sẽ khiến đất đai bị ngấm nước và càng làm cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra dữ dội hơn. Chính những tác động tiêu cực từ các hoạt động của con người trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông cũng sẽ trở nên hết sức nặng nề nếu như không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, trong tương lai gần, toàn vùng cũng cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một cách triệt để.

 
Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đặc biệt là vùng ĐBSCL như: Chủ động triển khai các Chương trình hợp tác với các nước Hà Lan, Đức, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản để nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu; tác động từ các đập thủy điện trên dòng chính hệ thống sông Mê Kông đến ĐBSCL; tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn trong vùng... Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn còn nhiều hạn chế.

 
Trước tình hình sạt lở gia tăng nói chung và các loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện trong khu vực ĐBSCL, mới đây, tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã đề cập tới các giải pháp quan trọng phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

 
Theo đó, các giải pháp gồm: Tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống sạt lở; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông.

Thanh Huyền
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn