(MTNT) – Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng trên 63 triệu dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn, chiếm hơn 65% tổng số dân của cả nước. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn đang phát sinh ra môi trường gần 30 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, nghĩa là mỗi năm ước tính sẽ phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt.
|
Phần lớn các loại chất thải rắn này vẫn đang được các địa phương tiến hành thu gom, xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên đã dẫn tới nhiều bất cập, làm ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường |
Điều đáng nói là hiện nay, phần lớn các loại chất thải rắn này vẫn đang được các địa phương tiến hành thu gom, xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên đã dẫn tới nhiều bất cập, làm ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước những năm gần đây cũng đã quan tâm và có nhiều nỗ lực nhằm cải tạo diện mạo của các vùng nông thôn cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn.
Qua những con số được các ngành chức năng công bố, cả nước hiện mới chỉ có khoảng 40- 55% khối lượng rác thải rắn trong sinh hoạt được tiến hành thu gom và xử lý. Phần còn lại chủ yếu là các chất thải rắn khó xử lý thì vẫn chưa có cách giải quyết triệt để; vì thế, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe của người dân.
Tại khá nhiều vùng nông thôn của nước ta hiện nay không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát, chúng nằm ngay cạnh những con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn bị một số người dân thiếu ý thức đem đóng thành bao rồi ném bừa bãi xuống sông, trên bờ các con suối hay kênh, rạch…
Hầu hết các loại rác này vẫn đang bị xả thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày, phần lớn lại chưa qua bất cứ công đoạn xử lý nào, hoặc có xử lý mà không đạt tiêu chuẩn. Thực trạng này đã và đang gây nên nhiều bức xúc đối với người dân sinh sống tại các vùng nông thôn. Đồng thời, còn là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đang gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, con số thống kê cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ 131 xã nông thôn trong tỉnh vào khoảng 379,571 tấn/ngày/đêm. Thế nhưng, số lượng rác thải được ngành chức năng tiến hành thu gom, xử lý chỉ vào khoảng 117,667 tấn/ngày/đêm.
Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thường do các tổ, đội thực hiện bằng xe đẩy tay. Đáng chú ý, việc thu gom, xử lý mới chỉ được triển khai tại một số xã nằm ở ven khu đô thị và các thị trấn, thị tứ vốn có đường giao thông nông thôn thuận lợi. Trong khí đó, ở hầu hết địa bàn các xã nông thôn, các xã vùng núi, vùng xa nói chung vẫn chưa có dịch vụ thu gom rác thải. Vì thế, phần lớn các hộ gia đình vẫn tự xử lý bằng phương pháp thủ công thô sơ như chôn, đốt hoặc đem vứt bỏ tại các bãi chôn lấp, bãi đốt tự phát… lâu dần dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước.
Mặc dù chính quyền địa phương rất quan tâm, cho đầu tư các bãi chôn lấp và lò đốt rác nên về cơ bản cũng đã giúp xử lý được lượng rác phát sinh nhất định. Tuy nhiên, do các bãi chôn lấp rác thải, lò đốt có công suất nhỏ nên vẫn chưa thể xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh (nước rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt…). Mặt khác, nhận thức của nhân dân về vấn đề xử lý rác thải chưa cao, nhiều nơi người dân vẫn chưa có sự đồng thuận hoặc ngăn cản việc xây dựng, hoạt động của các khu xử lý rác thải.
Thêm một vấn đề khác nữa đó là việc quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cũng đang gặp phải khá nhiều khó khăn do đòi hỏi cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, địa phương không có đủ nguồn lực để đầu tư cho xử lý chất thải rắn tập trung; thiếu nhân lực trong khâu quản lý; gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí quỹ đất, khả năng đầu tư, công nghệ xử lý; thiếu kinh phí cho việc quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm và nhất là thiếu kinh phí để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại những khu vực này.
Tình trạng này cũng xuất hiện tương tự tại địa bàn thành phố Hải Phòng do địa phương không có mặt bằng sạch, quỹ đất hạn chế và nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp… Vì thế, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của thành phố trong thời gian qua đã và đang vướng phải khá nhiều khó khăn.
Toàn thành phố mới chỉ có 42 xã, thị trấn và 2 huyện (Thủy Nguyên, An Dương) là đang tiến hành việc thu gom, đưa rác thải sinh hoạt nông thôn về xử lý tại các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố. Vẫn còn 17 xã, thị trấn (chiếm 11% tổng số xã, thị trấn) tại các huyện: Tiên Lãng, Cát Hải còn đang thực hiện việc chôn lấp rác tại các bãi rác tạm cấp huyện. Đặc biệt, có tới 87 xã (chiếm tới 57% số xã của thành phố) đang sử dụng chôn lấp tạm thời rác thải tại 137 bãi chôn lấp tạm…
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, lượng rác thải sinh hoạt phát thải trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025 sẽ vào khoảng 2.779 tấn/ngày và đến năm 2030 là khoảng 3.835 tấn/ngày. Thực trạng này yêu cầu cần có những giải pháp mới, những công nghệ xử lý hiện đại hơn để thay thế cho việc chôn lấp thô sơ như hiện nay. |
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, đối với những bãi rác tạm cấp xã, huyện thì chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng quy trình chôn lấp rác hợp vệ sinh; đồng thời, không có kế hoạch định kỳ xử lý vấn đề vệ sinh môi trường. Do đó, dẫn tới tình trạng các bãi rác tạm cũng bị quá tải, người dân lại đem đổ bỏ rác thải ra các bãi rác tự phát. Việc làm này đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Thực tế cho thấy, vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn của thành phố đã được các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Đã có nhiều văn bản, Nghị quyết với những nội dung cụ thể được thành phố ban hành, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Hiện nay, theo chỉ đạo của thành phố, các xã nông thôn mới không được chôn lấp rác cũng như không được xây dựng nhà máy rác mini tại địa phương mà phải tập trung tại khu xử lý rác thải theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 6 khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố và 8 khu xử lý cấp huyện thì mới chỉ có khu xử lý Đình Vũ, khu xử lý Tràng Cát đã đi vào hoạt động chính thức.
|
Rất cần có những giải pháp công nghệ phù hợp nhằm thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý rác thải để đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên, phát triển đô thị xanh- sạch- đẹp và bền vững |
Trong thời gian chờ đợi các khu xử lý rác thải khác hoàn thiện, đưa vào sử dụng thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp nhằm thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý rác thải để đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên, phát triển đô thị xanh- sạch- đẹp và bền vững…
Từ những vấn đề trong thực tiễn đặt ra cho thấy, để giải quyết căn cơ, hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn thì trước hết các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Cùng với đó, cần phải tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này…