Không có mặt bằng sạch, quỹ đất hạn chế và nguồn kinh phí hạn hẹp khiến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại Hải Phòng vướng như tơ vò.
|
Bãi chôn lấp rác thải sơ sài tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười. |
Hiệu quả không đạt như kỳ vọng
Hiện TP. Hải Phòng mới có 42 xã, thị trấn và 2 huyện Thủy Nguyên, An Dương thực hiện thu gom, đưa rác thải sinh hoạt nông thôn về xử lý tại các khu xử lý chất thải thành phố.
Bên cạnh đó, vẫn còn 17 xã, thị trấn, chiếm 11% số, xã, thị trấn của Hải Phòng tại các huyện Tiên Lãng, Cát Hải vẫn đang thực hiện chôn lấp rác tại các bãi rác tạm cấp huyện. Đặc biệt, có tới 87 xã, chiếm tới 57% số xã của Hải Phòng đang sử dụng chôn lấp tạm thời rác thải tại 137 bãi chôn lấp tạm.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng ghi nhận bên cạnh các bãi chôn lấp tạm, người dân còn đổ rác thải ra tới 48 điểm tự phát khác tại các khu vực trên mặt đê, bãi sông…
Theo đánh giá, đối với những bãi rác tạm cấp xã, huyện, chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng quy trình chôn lấp rác hợp vệ sinh, không có kế hoạch định kỳ xử lý vấn đề vệ sinh môi trường dẫn tới tình trạng các bãi rác tạm cũng bị quá tải, người dân lại đổ rác ra các bãi rác tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tại khu vực nông thôn, hiệu quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa cao dẫn đến tình trạng một số khu vực chôn lấp rác tạm để rác thải tồn đọng dọc đường, tràn ra nơi công cộng, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất mỹ quan nông thôn.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng, vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn tại Hải Phòng hiện nay là vô cùng cấp thiết. Để có một môi trường xanh, sạch, ý thức của con người là quan trọng nhất, bên cạnh đó, việc cần làm là tìm kiếm các giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý phù hợp với từng địa phương.
Thực tế, không phải Hải Phòng thờ ơ với rác thải nông thôn, vấn đề này đã và đang rất được quan tâm với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, nhiều văn bản, Nghị quyết với những nội dung cụ thể đã được ban hành nhưng không hiểu sao khi triển khai hiệu quả không đạt được như kỳ vọng.
Đơn cử như Nghị quyết số 9/2010/NQ-HĐND được ban hành từ năm 2010, với mục tiêu đến năm 2020, 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, thực hiện đóng cửa bãi rác tạm của xã.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết này, Hải Phòng vẫn còn 137 bãi rác tạm, chỉ giảm được 21 bãi rác so với trước năm 2010 và nằm rải rác trên địa bàn 87 xã và nguồn kinh phí Hải Phòng hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải trong ngần ấy năm cũng chỉ hơn 307 tỷ đồng.
Kinh phí hạn hẹp không sát với thực tiễn
Hiện trên địa bàn TP. Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn nhưng do vướng mắc về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, hiện hoạt động của các doanh nghiệp này đều khó khăn, có doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô.
Cụ thể, nếu căn cứ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP. Hải Phòng, khâu thu gom rác được thu từ nguồn xã hội hóa, còn khâu vận chuyển, xử lý rác thải được hỗ trợ từ ngân sách thành phố và các địa phương.
Qua nhiều năm hoạt động, khi những vướng mắc này phát sinh, các đơn vị, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên, doanh nghiệp đã không tiếp cận được thêm nguồn ngân sách nào hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải.
Điều này cho thấy khi mức giá dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tách bạch mức giá giữa 3 khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác rất khó xử lí triệt để được vấn đề rác thải nông thôn.
Trên thực tế, để xư lý dứt điểm vấn đề rác thải nông thôn không chỉ vướng những vấn đề như đã nêu mà còn nhiều cái, ví dụ như việc không được xây dựng nhà máy rác mini tại các địa phương, trong khi việc thu gom rác thải tại các địa phương về khu xử lý rác tập trung vẫn chưa được hiện tốt.
Bà Đoàn Thị Mơ, Giám đốc HTX DV Môi trường Thành Vinh, một đơn vị xử lý rác thải nông thôn tại huyện Kiến Thụy cho biết, đơn vị được giao sử dụng bãi rác mà địa phương đã sử dụng hơn chục năm nay, khi các bãi rác đã ô nhiễm và địa phương không thể xử lý được nữa.
Mặt khác, nguồn kinh phí rất hạn hẹp, không có điều chỉnh tăng thêm, trong khi lượng rác ngày một tăng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề xử lý rác thải.
“Không có mặt bằng sạch, gây hậu quả nghiêm trọng, phần âm không thể xử lý được, không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm đất, nguồn nước. Không có nơi tập trung để xử lý, thì không thể đổ tội cho doanh nghiệp, đất không phải của chúng tôi, rác không phải của chúng tôi, chúng tôi không thể làm thật tốt”, bà Mơ bộc bạch.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, lượng rác thải sinh hoạt phát thải trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 khoảng 2.779 tấn/ngày và đến năm 2030 là khoảng 3.835 tấn/ngày. Thực trạng này yêu cầu những giải pháp mới, những công nghệ xử lý hiện đại hơn thay thế cho việc chôn lấp như hiện nay.
Quan tâm vấn đề này, Hải Phòng đang xây dựng đề án xử lý rác tổng thể theo hướng áp dụng công nghệ cao và bước đầu nghiên cứu và dành sự quan tâm tới các dự án điện rác. Khi các dự án đi vào hoạt động, sẽ xử lý được toàn bộ rác thải hiện tại mỗi ngày của Hải Phòng, tuy nhiên, hiện tại đề án vẫn đang trong giai đoạn trình - duyệt và chưa biết lúc nào mới có thể triển khai.
Theo chỉ đạo của TP. Hải Phòng, các xã nông thôn mới không được chôn lấp rác, cũng như không được xây dựng nhà máy rác mini tại địa phương mà phải tập trung tại khu xử lý rác thải theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, trong số 6 khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố và 8 khu xử lý cấp huyện mới chỉ có khu xử lý Đình Vũ, khu xử lý Tràng Cát đã đi vào hoạt động chính thức. Trong thời gian chờ các khu xử lý rác thải khác hoàn thiện, đưa vào sử dụng thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý rác thải phù hợp để đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên, phát triển đô thị sạch đẹp và bền vững.