Sản xuất nông nghiệp đã và đang có nhiều tác động làm gia tăng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước. Đây là vấn đề nóng ở nhiều địa phương.
Lãng phí và nguy cơ ô nhiễm từ phân bón, lạm dụng thuốc BVTV
Theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (2017), với trên 7 triệu ha đất trồng trọt, mỗi năm nước ta sử dụng 2,5 – 3 triệu tấn phân bón vô cơ, với khả năng hấp thụ cho cây trồng chỉ từ 30,5 đến 50%. Lượng phân bón không được hấp thụ tồn dư trong đất lớn, đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng làm tăng nguy cơ dịch bệnh, từ đó phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn.
Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính tác động xấu đến môi trường.
Theo Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của Bộ NN-PTNT, kết quả khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy, đa phần cán bộ địa phương và nông dân cho rằng ô nhiễm môi trường nông nghiệp do thâm canh tăng cao, mở rộng diện tích sản xuất, định hướng tăng sản lượng...
Chi phí phân bón chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất, nên hàng năm lãng phí khoảng 130 triệu USD do thải ra môi trường (đất, nước, không khí) từ 865.000 tấn tồn dư của phân bón hóa học mà cây trồng không hấp thu được.
Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đa số các hệ thống sông cấp nước cho trồng trọt tại các tỉnh và trên hệ thống lưu vực đều có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ, vi sinh vật cao. Ngoài ra, rác thải nhựa để lại trên đồng ruộng sau khi thu hoạch và các hoạt động khác của con người đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của các hệ thống kênh mương, gây ô nhiễm vi nhựa trong nông sản, đất và nguồn nước.
Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì hóa chất, thuốc BVTV bừa bãi sau sử dụng còn khá phổ biến; thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định gây ô nhiễm nước, không khí và hệ sinh thái.
Việc lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau, như nước mưa chảy tràn qua các kho chứa đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất...; đồng thời, tác động đến sinh vật có ích trong môi trường và gia tăng các sinh vật có hại, làm đất đai bị nhiễm độc, có khả năng tồn dư cao trong nông sản nếu không có thời gian cách ly hợp lý.
Hơn 60 triệu tấn chất thải chăn nuôi/năm
Theo số liệu ước tính của Viện Môi trường Nông nghiệp (2020) dựa trên nguồn số liệu thống kê và điều tra một số tỉnh cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh trong quá trình chăn nuôi bao gồm phân rắn, thức ăn thừa, chất độn chuồng ước tính là 60,18 triệu tấn, gồm 34 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi bò, 10 triệu tấn từ chăn nuôi gia cầm, 7,6 triệu tấn từ chăn nuôi lợn. Lượng chất thải rắn năm 2020 từ chăn nuôi cao hơn so với năm 2019 và năm 2018 do đàn lợn được phụ hồi, khi đàn trâu bò phát triển mạnh.
Lượng nước thải chăn nuôi phát sinh được ước tính trên số lượng gia súc, gia cầm và hệ số phát sinh nước thải. Theo một số nghiên cứu ở Việt Nam, hệ số phát sinh nước thải trung bình từ hoạt động chăn nuôi tính trên đầu con vật như: Trâu, bò khoảng 12,5 lít/ngày; lợn khoảng 20 lít/ngày. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia (2018), tổng lượng nước thải phát sinh lên đến 6,66 triệu m3/ngày.
Dựa trên số liệu phát thải, kết qủa tính toán cho thấy nước thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi năm 2020 từ 3 đối tượng vật nuôi chính là trâu, bò và lợn khoảng 114 triệu m3, gồm nước tiểu, nước rửa chuồng, nước làm mát trong quá trình chăn nuôi.
hất thải chăn nuôi không qua xử lý khi thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, môi trường đất và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nghiêm trọng.
Các chỉ số coliform trong nước thải khu vực chăn nuôi rất cao, có nơi cao gấp nhiều lần so với quy chuẩn cho phép, thậm chí ở cả khu vực chăn nuôi có sử dụng hệ thống công trình biogas.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, chăn nuôi nông hộ, quy mô phân tán vẫn chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy việc xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng khó khăn. Cả nước hiện có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, song mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas).
Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10% và chỉ 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi, nhất là ở các vùng có dịch bệnh chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh như e-coli, salmonella gây bệnh tiêu chảy, đường ruột, các loại giun, sán gây bệnh, các loại virus như virus gây bệnh tai xanh ở lợn, dịch tả lợn Châu Phi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực chôn lấp và gây tổn hại đến sức khoẻ con người.
Đối với thủy sản, theo Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của Bộ NN-PTNT, tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ yếu do các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác đọng lại dưới đáy ao nuôi.
Ngoài ra, còn các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi trồng cũng dư đọng lại mà không được xử lý. Nước thải và bùn thải có lẫn các thức ăn dư thừa trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là vấn đề môi trường chính đối với nuôi trồng thủy sản.
Nước thải với khối lượng lớn 3,6 tỷ m3/năm đang là vấn đề môi trường lớn đối với các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng thâm canh cao, chưa kể đến các khu vực nuôi lồng bè.
Vấn đề bùn thải cũng được nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản đánh giá là vấn đề môi trường nghiêm trọng do có khối lượng lớn và là hệ quả của sự bồi lắng của thức ăn dư thừa, phân các đối tượng nuôi trồng thủy sản và là nguyên nhân lan truyền dịch bệnh trong thuỷ sản.
Để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong nông nghiệp
Với mục tiêu đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, cần phải có các giải pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ nhất, cần chuyển đổi và áp dụng công nghệ canh tác, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn nước để giảm tối đa lượng nước thải bị ô nhiễm cần phải xử lý và kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn nước có nguy cơ gây lan truyền ô nhiễm cao.
Hai là cần khuyến cáo rộng rãi việc xử lý nước thải bằng biogas, chú trọng công tác quy hoạch sản xuất nuôi trồng; đầu tư công tác nghiên cứu khoa học về các công nghệ chăn nuôi, nuôi trồng và sản xuất sạch.
Ba là cần giám sát chặt chẽ sử dụng, mua bán, kinh doanh các hoá chất dùng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thu gom, xử lý tập trung chất thải rắn, chất thải nguy hại để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nước.
Thứ tư là thành lập các vùng bảo vệ nguồn nước mặt ngay trong các trang trại hay vùng đệm xung quanh trang trại, đây là một trong những biện pháp có hiệu quả trong việc giảm thiểu di chuyển, lan tỏa ô nhiễm trong nguồn nước.
Cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng các chế tài về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp, của mỗi người dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đối với nước thải.