Bệnh viêm da nổi cục lây lan do người dân mua trâu bò không kiểm dịch
UBND tỉnh Lai Châu vừa có chỉ đạo nóng để xử lý, kiểm soát các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, không để lây lan diện rộng.
|
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nguy cơ lây lan tới nhiều địa phương ở Lai Châu. Ảnh: T.H. |
Lây lan do mua bán, giết mổ gia súc nhiễm bệnh
Từ đầu tháng 10/2020 - 18/4/2021, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra 1.124 ổ dịch, tại 1.097 xã, 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố.
Trong đó có các tỉnh giáp ranh với tỉnh Lai Châu như: Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, số gia súc mắc bệnh lên tới 28.725 con, trong đó có 2.432 con chết và tiêu hủy.
Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn tỉnh Lai Châu, từ ngày 30/4, trên địa bàn bản Tổng Pịt (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) xảy ra ổ dịch bệnh viêm da nổi cục làm 3 con bò mắc bệnh.
Qua kiểm tra thực tế của các địa phương và cơ quan chuyên môn huyện Nậm Nhùn, ngoài ổ bệnh đã xuất hiện tại xã Mường Mô, hiện nay, tại khu vực chăn nuôi tập trung (trên 100 con trâu, bò) của bản Nậm Nhùn (thị trấn Nậm Nhùn) và khu chăn nuôi theo nhóm hộ (dưới 15 con trâu, bò) tại bản Chang (xã Lê Lợi) cũng xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục, đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do người dân địa phương mua bò đã nhiễm mầm bệnh từ các tỉnh đã có dịch nhưng không được kiểm dịch thú y theo quy định.
Trong thời gian tới dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh do bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa được tiêm phòng vắcxin, nhiều người chăn nuôi chưa nắm được thông tin về dịch bệnh.
Mặt khác, hiện nay đang là giai đoạn thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho ruồi, muỗi, ve, mòng sinh sôi (là véc tơ lây truyền chính) và qua việc vận chuyển, giết mổ gia súc bệnh, mang mầm bệnh nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các địa bàn khác của tỉnh Lai Châu là cao nếu không có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các sở ngành liên quan và UBND huyện, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới;
Ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ tiêu hủy gia súc chết (nếu có), hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (nếu cần thiết phải thành lập để ngăn chặn dịch bệnh lây lan)…
Không để dịch bệnh lây lan, kéo dài
Đặc biệt, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu cơ quan chuyên môn đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn, cảnh báo cho các địa phương khác. Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh. Hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh
Thống kê gia súc, yêu cầu các hộ chăn nuôi cam kết không bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc ra môi trường… Tuyên truyền hướng dẫn người dân không thả rông gia súc, chủ động theo dõi, giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bệnh, kịp thời phát hiện báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn để có các biện pháp phòng, chống kịp thời.
Đặc biệt, đối với Sở NNPT-NT hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp ngay với UBND huyện Nậm Nhùn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới.
Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò; tổng hợp tình hình dịch bệnh và công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các huyện, thành phố; đánh giá nguy cơ lây lan của bệnh viêm da nổi cục, kịp thời tham mưu chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, lây lan của dịch bệnh.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát phát hiện vi rút viêm da nổi cục. Thành lập ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng chống, dịch bệnh tại khu vực có dịch và các địa bàn có nguy cơ cao.