Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam khuyến cáo, cần đề phòng gió chướng thổi mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột làm mặn tăng cao ở ĐBSCL vào dịp rằm tháng giêng.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc đến ĐBSCL đã qua thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đợt 1 từ ngày 8 đến 16/2/2021, đúng dịp Tết.
Mực nước sông Mekong ở lưu vực ÐBSCL đang xuống thấp, tình hình xâm nhập mặn sắp bước vào thời kỳ ảnh hưởng cao điểm cuối tháng 2 do xả thấp kéo dài kết hợp triều cường.
Dự báo từ ngày 25/2-28/2/2021 (trùng với kỳ Rằm tháng Giêng âm lịch), mặn sẽ tiếp tục lên cao đợt 2, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km,75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn.
Do ảnh hưởng mưa trái mùa trong những ngày đầu tháng 2-2021 nên mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn bớt căng thẳng hơn so với dự báo trước đó, tuy nhiên đề phòng gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.
Trước tình hình đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương vùng ÐBSCL cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ, như: vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với các diễn biến nguồn nước.