Cảnh báo suy kiệt nguồn lợi thủy sản
10:01 - 28/12/2020
Cá nục mới chỉ lớn cỡ ngón tay cũng bị đánh bắt tận thu. Một tấn cá nục bé như thế, nếu khai thác khi lớn có thể cho sản lượng gấp hàng chục lần… 

Cá có sẵn, chỉ việc đi bắt về bán mà vẫn lỗ!

Tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngày 26/12 của Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) ái ngại cho biết hiện nay, nguồn lợi hải sản đang ngày càng có dấu hiệu suy kiệt.
 

“Hải sản là nguồn lợi có sẵn của biển, nhưng ngay cả việc đi khai thác về để bán, nhiều tàu cá hiện nay vẫn bị lỗ. Đây là thực tế hết sức đáng ngại”, ông Trung nêu nghịch lí.
 

Theo ông Trung, việc khai thác, đánh bắt tận thu, nhất là đối với hải sản nhỏ một cách bừa bãi là đáng báo động khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt.
 

“Cá nục kích cỡ đánh bắt trưởng thành phải cỡ cổ tay, nhưng hiện nay mới chỉ lớn cỡ ngón tay đã bị đánh bắt tận thu. Một tấn cá nục cỡ nhỏ này, nếu trưởng thành có thể đánh bắt với sản lượng gấp hàng chục lần”, ông Trung ái ngại.

Việc tận thu hải sản, nhất là hải sản con non đang gây hệ lụy suy kiệt nguồn lợi hải sản ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: ST

Cũng theo ông Trung, hiện nay quy định kiểm tra, xử lí đối với các hành vi vi phạm trong khai thác, nhất là khai thác ven bờ đã có khá đầy đủ. Tuy nhiên, lực lượng nào đứng ra triển khai kiểm tra xử lí lại đang là vấn đề, khi mà lực lượng kiểm ngư mỏng, các lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thủy sản ngày càng “teo tóp” về lực lượng, đồng thời những năm gần đây đã bị sáp nhập về nhiều đơn vị khác…
 

Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cũng cho rằng, với chủ trương phát triển bền vững nghề cá, nên chăng cần có chiến lược duy trì ở mức ổn định đối với sản lượng khai thác hàng năm. Bởi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm do cường độ khai thác tăng mạnh. Hệ môi trường sinh thái ngày càng suy giảm, ảnh hưởng xấu tới việc tái tạo nguồn lợi thủy sản…
 

Bên cạnh đó, việc tăng các khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác, nghiêm cấm khai thác thủy sản nhỏ, chưa đạt yêu cầu khai thác, cấm khai thác mùa vụ sinh sản, vùng sinh sản… đang là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.
 

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cảnh báo: Một số nơi, bãi rong mơ là bãi đẻ của cá chuồn. Quy định thì mùa cá đẻ, trứng đang trên rong thì không được khai thác. Thế nhưng có tình trạng trứng cá từ trên rong ngư dân đã tận thu khai thác, thì lấy đâu ra để khai thác sau này…?
 

Theo ông Luân, hiện nay, việc kiểm tra, xử lí đối với hoạt động khai thác ven bờ thuộc tránh nhiệm của các địa phương. Vì vậy thời gian tới, mà trước mắt là ngay trong năm 2021, ngành thủy sản sẽ phải đặt trọng tâm cùng với các địa phương siết chặt lại khâu kiểm tra, giám sát, xử lí đối với các hoạt động khai thác trái phép, tận thu, các hình thức vi phạm vùng bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản…
 

Bên cạnh đó, sẽ tập trung rà soát, đẩy mạnh xây dựng các vùng bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các vùng cấm khai thác, mùa cấm khai thác, các bãi đẻ… Đồng thời, phát động sâu rộng hơn nữa tại các địa phương phong trào thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản…
 

“Hiện nay, việc lập các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản đang hết sức cấp thiết. Tuy nhiên đang vướng ở nhiều địa phương do quỹ đất, quỹ mặt nước dành cho các khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản rất khó khăn, nhiều địa phương không mặn mà mở rộng các khu vực bảo tồn do phải ưu tiên quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội…", ông Trần Đình Luân nêu khó khăn.
 

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng: Hiện nay, việc ngành thủy sản chưa có quy định cụ thể về kích thước được phép khai thác của từng loài hải sản, quy định cụ thể về mắt lưới đánh bắt cho từng loài cũng khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu chế tài trong việc kiểm tra, xử lí đối với các hành vi đánh bắt hải sản nhỏ, chưa đạt kích thước khai thác…
 

“Hành vi đánh bắt bằng xung điện, chất nổ đã được quy định tội hình sự, tuy nhiên những năm qua vẫn chưa được quyết liệt kiểm tra, phát hiện, xử lí mạnh tay. Vì vậy ngay trong năm 2021, cần phải quyết liệt tăng cường khâu thực thi pháp luật, kiểm tra kiểm soát hoạt động khai thác, nhất là thực thi pháp luật ven bờ”, ông Hùng kiến nghị.
 

Thủy sản một năm khó khăn chồng chất

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đã bị gián đoạn do đóng cửa biên giới. Hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.
 

Trong bối cảnh đó, hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở ĐBSCL khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá đang nuôi bị bệnh, chết. Doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân khá cao; hàng tồn trong kho doanh nghiệp khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương…) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.
 

Đối với hoạt động khai thác, thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản khi liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác trên biển. Ủy ban Châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu Việt Nam.
 

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới. Trung Quốc mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nhiên liệu trong nước, thậm chí phục vụ xuất khẩu làm tăng khả năng canh tranh với cá tra Việt Nam. Các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.
 

Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên ước năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) vẫn đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%.
 

Trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 950.000 tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%, tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1.560.000 tấn (bằng 96,9% so với cùng kỳ).
 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2019.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn