Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Dấu ấn trong ba Nghị quyết lịch sử (Bài 1)
14:27 - 22/07/2024
Sinh thời, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết để hoạch định, chỉ đạo xây dựng các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các Nghị quyết cụ thể. Những chính sách đó chính là kim chỉ nam để hoạch định con đường cho "tam nông" nước ta phát triển.

LTS: Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng với 55 năm hoạt động liên tục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Trong 3 nhiệm kỳ giữ cương vị Tổng Bí thư và ở các vị trí công tác trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những chủ trương, chính sách của Đảng được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết mang tầm vóc lịch sử, mang tính thời đại. Ở mỗi nhiệm kỳ công tác, Tổng Bí thư đều dành nhiều thời gian để về các vùng xa xôi, khó khăn, các vùng nông thôn điển hình để trực tiếp thị sát, lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản vô giá và vô cùng quý báu là các chính sách, các phát biểu chỉ đạo, sự lãnh đạo sâu sát về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
Dân Việt xin khởi đăng loạt bài "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn" để cùng nhìn lại những đóng góp vô cùng to lớn, mang đậm dấu ấn cá nhân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế

Sau liên tục 20 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới kinh tế đất nước, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, nông thôn đã thu được nhiều kết quả thắng lợi, ngày 5/8/2008, lần đầu tiên một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành, đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ba năm sau, tại Đại hội Đảng XI (nhiệm kỳ 2011-2016), Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng. Vừa mới nhậm chức với bề bộn công việc phải triển khai sau Đại hội, nhưng chỉ sau 8 tháng nhậm chức, sáng 13/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại trụ sở Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong suốt giai đoạn này, thực hiện sự chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được thực thi, trong đó trọng tâm là phong trào xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ triển khai thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cũng trong giai đoạn này, Quốc hội đã thông qua một loạt các dự án luật về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để phát triển ngành nông nghiệp nước ta. Nhờ những chính sách đó, trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp luôn duy trì đà tăng trưởng bằng và vượt chỉ tiêu tại các kỳ Đại hội của Đảng với mốc trung bình đạt từ 3-3,5%/năm; xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn tăng trưởng ở mức hai con số và đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt trên 53 tỷ USD.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) tháng 1/2023
 

Nói về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS-TS Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trên thực tế, các vấn đề lý luận về nông nghiệp đã được Tổng Bí thư nâng lên một tầm cao mới, trở thành một tư tưởng, một di sản, đó là kim chỉ nam, hoạch định con đường cho tam nông phát triển, một con đường mang tính thời đại.

Theo PGS-TS. Đào Thế Anh, đặc biệt tại Đại hội XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021-2026), những người làm trong ngành nông nghiệp nhận thấy, Đảng đã đặt vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên một tầm cao mới nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó Việt Nam đã có cam kết rất mạnh khi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã dành một nội dung lớn đề cập đến vấn đề "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

PGS-TS. Đào Thế Anh cho biết: Đại hội XIII của Đảng đã xác định nội dung về tập trung xây dựng chiến lược quốc gia, vùng, miền và chế biến nông sản; đổi mới tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại và cơ chế, chính sách tương thích nhất để hỗ trợ, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Thực tế, Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã chỉ ra những định hướng mang tính chiến lược cho phát triển tam nông nhưng trong bối cảnh có nhiều thay đổi, nhiều nguy cơ tác động đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu, quá trình đô thị hóa nhanh đã có tác động tiêu cực đến nông nghiệp nông thôn. Trong nội tại ngành nông nghiệp cũng tồn tại những hạn chế do trong thời gian dài chú trọng thâm canh tăng năng suất đã làm suy thoái đất đai, môi trường bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị đe dọa,...

Trong khi đó, nông nghiệp của Việt Nam là nền nông nghiệp mở, dư địa xuất khẩu lớn, do vậy, để xuất khẩu nông, lâm thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường thế giới, yêu cầu của người tiêu dùng và những thay đổi này diễn biến rất nhanh chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn, không chỉ sản xuất đáp ứng đủ về số lượng (thực tế, chúng ta đã thành công trong việc cải thiện, nâng cao năng suất) nhưng phải đảm bảo chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phải làm ra những loại nông sản có chất lượng và phát thải thấp, không những thế còn phải đảm bảo dinh dưỡng cho người dân.

"Tóm lại, mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của ngành nông nghiệp hiện nay và mai sau là không chỉ đủ ăn mà còn phải chất lượng để đảm bảo dinh dưỡng phát triển con người, đúng như tầm nhìn của Liên Hợp quốc về chỉ số phát triển con người và môi trường", PGS-TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đó là: "Phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". 

Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 3 Nghị quyết rất quan trọng của Hội nghị lần thứ Năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII và nhiều người nhận định, đó là 3 Nghị quyết lịch sử về "tam nông", đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

"Ba Nghị quyết: 18, 19, 20 của Trung ương chính là sự cụ thể hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để từ đó đưa ra giải pháp mang tầm thời đại, không chỉ phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, mà còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện chung của thế giới", PGS-TS Đào Thế Anh nói.

PGS-TS Đào Thế Anh cho rằng, như Đảng ta đã khẳng định: "Thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng, ngược lại lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông". Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta sau hơn 35 năm Đổi Mới là một thực tiễn và những thực tiễn đó phải được đúc rút, tổng kết lại bằng những lý luận vững chắc, tạo cơ sở, nền móng để phát triển trong các giai đoạn tiếp theo. 

"Chính vì thế, một điểm đặc biệt mới của Nghị quyết 19, đó là không chỉ đề ra chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo một giai đoạn, mà nội dung Nghị quyết đã đề cập tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện một tầm nhìn rất dài hạn vừa có tính liên tục, vừa có tính dự báo"- PGS-TS Đào Thế Anh nhận định.

Cũng theo PGS-TS Đào Thế Anh, điểm đặc biệt của các Nghị quyết này, đó là huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng Nghị quyết đều được phổ biến đến Chi bộ để các đảng viên đều nắm được. Sau khi có Nghị quyết của Đảng, Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình hành động để thực hiện, các Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố ban hành các Kế hoạch hành động cho từng địa phương.

"Có thể nói, Nghị quyết 19 đã giúp ngành Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh quá trình chuyển từ tư duy nông nghiệp số lượng dựa vào thâm canh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác giá trị tăng thêm, vừa tăng thu nhập cho nông dân vừa bảo vệ môi trường. Mạnh dạn tiếp cận nông nghiệp sinh thái, đây là hướng đi của toàn cầu để phát triển nông nghiệp bền vững, năng suất có thể giảm nhưng chất lượng phải đảm bảo"- PGS-TS. Đào Thế Anh cho biết.

Theo PGS-TS. Đào Thế Anh, Nghị quyết 20 đã tạo nền tảng cho các ngành, địa phương tập trung các giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta đã sửa đổi Luật Hợp tác xã, ban hành được các chính sách phù hợp nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ hợp tác xã, hình thành thế hệ cán bộ hợp tác xã kiểu mới, giải quyết ách tắc về vốn, tài sản cho các hợp tác xã.

Vấn đề đất đai, nhất là đất nông nghiệp, từ quan điểm của Đảng được nêu tại Nghị quyết 18 và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực hiện Nghị quyết này, Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua đã có những quy định cởi mở hơn về đất nông nghiệp, phù hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại.

Nói cách khác, 3 nghị quyết đã giúp các ngành xây dựng chiến lược, định hướng rõ ràng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những quan điểm, tư tưởng được thể hiện trong Nghị quyết cũng chính là những quan điểm, tư tưởng, trăn trở đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, các Nghị quyết 18, 19, 20 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã vạch ra một con đường cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam phát triển với những định hướng cởi mở, xứng tầm thời đại.

 

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được cụ thể bằng nhiều chính sách trong tương lai

Theo PGS-TS. Đào Thế Anh, trong năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trong 2 năm đầu thực hiện các Nghị quyết 18, 19, 20 của BCH Trung ương Đảng, cũng là giai đoạn chúng ta phải trải qua đại dịch Covid-19 với những biến động khó lường của toàn cầu. Tuy nhiên, có thể thấy, trong bối cảnh nông nghiệp thế giới bị suy giảm mạnh thì nông nghiệp Việt Nam lại đi ngược chiều gió, tăng trưởng mạnh.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã vượt mức 53 tỷ USD, tạo tiền đề cho năm 2024, ngành nông nghiệp quyết tâm nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản lên con số 57 – 58 tỷ USD; công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Tăng trưởng nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, thậm chí năm 2021 là năm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, tăng trưởng của ngành nông nghiệp còn cao hơn tăng trưởng chung của GDP nước ta (đạt mức 2,95%, trong khi tăng trưởng GDP cả nước là 2,1%).

Để có được sự tăng trưởng đó là nhờ chúng ra thừa hưởng những định hướng chiến lược, chuyển từ nền nông nghiệp chạy theo năng suất sang nền nông nghiệp trọng chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới; từng bước phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn chứ không phải mạnh ai nấy làm.

"Tôi cho rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đi đúng như những định hướng của các Nghị quyết của Đảng. Có thể khẳng định, các Nghị quyết 18, 19, 20 đã vạch ra một con đường cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam phát triển với những định hướng cởi mở, xứng tầm thời đại.

Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam chắc chắn sẽ còn được cụ thể hóa trong rất nhiều quyết sách dành cho tam nông hiện nay và giai đoạn tiếp theo, nhằm thực hiện được mong muốn của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", PGS-TS Đào Thế Anh khẳng định.

Nói về các chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho rằng, chưa có giai đoạn nào, các chính sách về vấn đề này nhiều đến thế. Chưa bao giờ nông nghiệp, nông thôn nước ta được quan tâm đến thế. Các vấn đề về an sinh xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân cũng đặc biệt được quan tâm. Có được những điều đó là nhờ vào tâm huyết, những tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn