Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định làm việc với Hội ND tỉnh Bắc Giang về thực hiện Nghị quyết số 34
Làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, đề xuất mang tính "đổi mới", "cách làm mới", từ đó, đóng góp vào báo cáo tổng kết Nghị quyết số 34 ngày 26/7/2017 của Trung ương Hội NDVN.
Chiều 21/5, tại tỉnh Bắc Giang, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN do Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34 ngày 26/7/2017 tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VI) về việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Xã hội Trung ương Hội Vũ Quốc Huy; các đồng chí chuyên viên Ban Xã hội Trung ương Hội.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang có Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ngô Tiến Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lã Văn Đoàn; Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thế Thi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.
|
Chiều 21/5, tại tỉnh Bắc Giang, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN do Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34 ngày 26/7/2017 tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VI) về việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Minh Ngọc |
"Nghị quyết đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân"
Báo cáo kết quả với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn cho biết, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 34 ngày 26/7/2017 tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VI) về việc thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm đã được các cấp Hội quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả, được cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia tích cực; được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.
Ông Đoàn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội đã thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ tạo nguồn vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo đó, 10/10 huyện, thành phố, thị xã đạt 100% xây dựng được nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Nguồn Quỹ tăng dần theo từng năm, tính hết năm 2023, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 68 tỷ đồng, giải ngân cho 1.486 hộ vay vốn thực hiện 332 dự án (nguồn vốn Trung ương Hội NDVN ủy thác 15 tỷ đồng; cấp tỉnh đã giải ngân 14 tỷ đồng; cấp huyện 39 tỷ đồng).
"Các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh", ông Đoàn cho hay.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 698 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 33.000 thành viên, dư nợ trên 1.800 tỷ đồng; với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 1.100 Tổ cho 22.888 hộ vay, dư nợ trên 4.236 tỷ đồng.
Các cấp Hội cũng đã tăng cường các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình điểm trong sản xuất. Trong đó, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty cung ứng phân bón, cây, con giống cho nông dân; xây dựng 450 mô hình cây, con giống mới điển hình... Thông qua hoạt động này, đã giúp hàng nghìn lượt hộ nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất, được cung ứng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từ đó chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các Viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tập huấn cho trên 840.000 lượt hội viên; tổ chức 6.250 lớp tập huấn kỹ thuật...
Công tác đào tạo nghề cho nông dân cũng được các cấp Hội triển khai hiệu quả. Đặc biệt, các cấp Hội còn tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho trên 25.000 lượt lao động.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân nắm bắt thị trường, quảng bá và kết nối thiêu thụ sản phẩm; Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, giải pháp sáng tạo kỹ thuật nhà nông; Tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn cho hay, từ Nghị quyết số 34, các cấp Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện như: Tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng các sản phẩm OCOP, thành lập mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác, HTX, tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh...
"Nghị quyết đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nông dân nhằm phát triển KT-XH ở nông thôn. Giúp nông dân về vốn, giống, vật tư, học nghề, kiến thức KHKT, kinh nghiệm sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng", ông Đoàn khẳng định.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Hội NDVN và Quyết định của Thủ tướng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Ngô Tiến Dũng cho rằng, kết quả thực hiện Nghị quyết số 34 của Trung ương Hội NDVN có vai trò "then chốt" của Trung tâm hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh). Trong đó, vai trò cung ứng vật tư nông nghiệp, cây, con giống chất lượng... giúp cho hàng nghìn nông dân và các mô hình được tiếp cận với những dịch vụ được đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm.
Thời gian tới, ông Dũng kiến nghị Trung ương Hội NDVN cần ban hành cơ chế, chính sách, lấy Trung tâm hỗ trợ nông dân làm "trung tâm" để triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Đề án của Trung ương Hội NDVN.
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 34 của Trung ương Hội NDVN.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định ghi nhận, biểu dương những kết quả của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 34.
"Chúng ta triển khai Nghị quyết không chỉ đơn thuần tuyên truyền mà phải đi vào thực chất, từ việc xây dựng mô hình từ đó lan tỏa, nhân rộng", Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở, đồng thời yêu cầu, khi triển khai phải làm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ở những mô hình lớn, không thực hiện đại trà, hình thức.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, đề xuất mang tính "đổi mới", "cách làm mới", từ đó đóng góp vào báo cáo tổng kết Nghị quyết số 34 của Trung ương Hội NDVN.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và các cấp Hội trên địa bàn tỉnh phát huy những kết quả đã đạt được, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN khóa VIII, Quyết định 182 của Chính phủ về kinh tế tập thể...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 34 còn tồn tại, hạn chế một số vấn đề như: Một số huyện và cơ sở Hội chưa xác định được tầm quan trọng của hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhiều cơ sở Hội mới tổ chức được các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân chuyển giao KHKT, vay vốn tại 2 ngân hàng; Cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình chi Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX còn hạn chế.
Công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT mới, cây trồng mới, kết nối cung - cầu... còn chưa được thường xuyên; Công tác phối hợp, liên kết đào tạo, dạy nghề, gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhất là lao động trung niên ở nông thôn còn nhiều khó khăn.