Một ông nông dân Phú Yên nuôi thành công loài vật làm ra thứ nước có 3 vị, nhiều người đến xem
10:23 - 13/06/2024
“Ong dú tự sinh trưởng, làm mật. Đặc tính của loài ong này là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật tự nhiên, nguyên chất. Mật ong dú có ba vị: ngọt, chua và đắng; trong đó mật có vị đắng giá trị cao, bán giá cao hơn hai loại còn lại...", anh Khương, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho hay.
Anh Nguyễn Văn Khương chia sẻ về quy trình nuôi ong dú tại gia đình ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, (tỉnh Phú Yên)



Bỏ công lên rừng tìm tổ ong dú về nuôi, lấy mật thương phẩm, kết hợp với bán con giống, mỗi năm anh Nguyễn Văn Khương ở thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) thu về gần 150 triệu đồng.

Bước đầu cho thu nhập ổn định

Cách đây 5-6 năm, anh Nguyễn Văn Khương đi bắt ong lỗ trong trụ điện về đóng thùng nuôi nhưng loại ong này thường hay đốt người nên anh không nuôi nữa, tiếp đến anh nuôi ong ruồi. Anh bắt cả tổ ong ruồi về lấy mật và tiếp tục treo trên cây ở vườn nhà, nhưng không thành công.

“Có lần tôi đến chơi nhà một thợ rừng cùng quê và được mời uống rượu ong dú. Nghe đến tên một loài ong lạ, tôi bắt đầu tìm hiểu, xin về nuôi thử. 

Thấy loài ong này không đốt, không tốn công chăm sóc nên tôi lên rừng ở huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, có khi lên tỉnh Gia Lai tìm tổ ong. Mỗi lần lên rừng tìm tổ ong, tôi phải ở lại 2-3 ngày mới về”, anh Khương cho biết.

Theo anh Nguyễn Văn Khương, ong dú thường ở trong các loại cây khô, mục trên rừng. Nếu đi lên rừng một mình thì không tìm được nhiều nên sau đó anh thuê nhân công cùng đi. 

Kiếm được tổ ong dú mang về, anh chẻ cây ra để bắt ong dú chúa bỏ vào hộp (mỗi con ong chúa là một hộp), tiếp đó các con ong thợ theo vào tổ. Vòng đời ong chúa khoảng 3-4 năm, còn ong thợ thì 60-70 ngày, tuy nhiên các đàn ong cứ tự sinh sản liên tục và dự trữ mật.Chia sẻ về hộp nuôi ong dú, anh Khương cho hay: Mới đầu tôi tự mày mò, nghiên cứu nhiều loại hộp phù hợp đặc tính tự nhiên con ong và cuối cùng cũng làm ra được kiểu hộp thuận tiện cho việc lấy mật, chia đàn và dễ chăm sóc đàn ong. Mỗi hộp được chia làm hai ngăn, một ngăn để ong sinh sản, sinh trưởng và một ngăn để tạo mật. 

Những chiếc hộp này được xem là ngôi nhà để nuôi ong, đảm bảo cho việc tách đàn, hoặc lấy mật mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong. Mỗi hộp/tổ ong dú nuôi trong vòng gần 1 năm mới thu hoạch, được tầm 250-500ml mật ong.

Bắt đầu nuôi ông dú từ năm 2019, đến thời điểm này, ngoài nuôi ong dú tại nhà, anh Khương cũng đã làm thêm ba trại nuôi riêng ở khu vực trong núi, bìa rừng với tổng cộng trên 400 tổ. 

Tuy nhiên, việc thu hoạch mật chỉ mới được 2 năm nay, bình quân mỗi năm anh thu gần 100 lít mật, giá bán ra thị trường 1,5 triệu đồng/lít. Trừ chi phí làm hộp, thuê nhân công tìm con giống…, anh lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ bán mật ong, trong quá trình nuôi, anh Nguyễn Văn Khương còn tìm, theo dõi để gầy con giống, tách đàn và bán hộp con giống. 

Các hộp con giống được anh bán cho người nuôi ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số người dân tại địa phương với giá 1,2-1,5 triệu đồng/hộp. Tiền bán giống cũng giúp anh có thêm 40-50 triệu đồng/năm.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương

“Ong dú tự sinh trưởng và làm mật. Đặc tính của loài ong này là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật tự nhiên và nguyên chất. 

Mật ong dú có ba vị: ngọt, chua và đắng; trong đó mật có vị đắng có giá trị và bán giá cao hơn hai loại còn lại. Tuy nhiên loại mật đắng không có nhiều vì khó tìm được giống cho ra mật đắng”, anh Khương cho biết.

Theo Sở Công Thương, huyện Đồng Xuân có các sản phẩm đặc trưng như dầu đậu phộng, sản phẩm dệt thổ cẩm, bưởi da xanh, gạo đỏ, chè dung, mật ong dú… 

Trong đó, sản phẩm mật ong dú đang được người dân ưa chuộng. 

Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động trưng bày tại các hội chợ thương mại, công nghiệp sắp tới để sản phẩm tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.

Năm 2023, sản phẩm mật ong dú của anh Nguyễn Văn Khương được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường) cấp giấy chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ. Anh cũng đăng ký làm thủ tục truy xuất nguồn gốc, đóng hũ thành phẩm, làm nhãn hàng hóa với tên Ong dú An Nhiên.

Đến đầu năm 2024, anh tiếp tục đăng ký làm sản phẩm OCOP của địa phương và đang hoàn thiện hồ sơ để được xét công nhận OCOP 3 sao. 

Mặt khác, anh Khương cũng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong dú cho một số người dân địa phương với mong muốn các hộ dân cùng phát triển mô hình để hình thành sản phẩm đặc trưng của Xuân Quang 2.

Nhận xét về mô hình nuôi ong dú của anh Nguyễn Văn Khương, ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: Đa số nông dân trên địa bàn xã Xuân Quang 2 phát triển mô hình trồng sắn, mía, chăn nuôi bò, trồng rừng là chủ yếu, còn các mô hình nông nghiệp khác thì không nhiều.

Song với mô hình nuôi ong dú của anh Nguyễn Văn Khương, đây là mô hình mới nhưng bước đầu mang lại thu nhập cho người nuôi. Mong muốn của chính quyền địa phương là mô hình sẽ được nhân rộng, tạo thu nhập cho những người dân có nhu cầu làm kinh tế.

 

Nguồn: Báo Phú Yên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn