|
Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). (Ảnh: Lê Đức Hoảnh) |
Đón tin vui đầu năm
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên có được nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.
Cụ thể, lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản chính 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dẫn chứng các ngành hàng đều gia tăng, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6-81% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%...
“Năm 2021-2023, ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Sang 2024 là năm tăng tốc”. Thứ trưởng Tiến nói và chia sẻ, nhìn vào kết quả xuất khẩu tháng đầu năm thấy vui và phấn khởi.
Giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường cũng đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nông sản Việt Nam nhất, chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%. 2 thị trường lớn khác của nông sản Việt Nam là Hoa Kỳ chiếm 20,8% (tăng 95,9%) và Nhật Bản chiếm 7,4% (tăng 47,5%).
Cũng trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 3,72 tỷ USD các mặt hàng nông sản. Qua đó, đưa giá trị xuất siêu nông sản trong 1 tháng qua đạt 1,43 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Mở cửa những thị trường mới
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngay từ đầu năm 2024, toàn ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Nông sản Việt ngày càng mở rộng thị trường, thị phần quốc tế.
Nhìn nhận Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp mong muốn và sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường này. Trong đó, thúc đẩy cơ chế “cửa khẩu thông minh” trong lưu thông hàng hoá.
Song song với duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU), Bộ NN&PTNT phấn đấu mở cửa những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), nhất là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực. Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Một trong những nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, là cần nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng IUU. “Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024, tạo điều kiện phát triển thuỷ sản bền vững…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đảm bảo nguồn cung nội địa
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 1 đạt 3,72 tỷ USD, tăng khá cao 45,1% do các nhóm hàng nhập khẩu đều tăng. Trong đó, nông sản 2,2 tỷ USD, tăng 41,1%, sản phẩm chăn nuôi 300 triệu USD, tăng 46,8%, thuỷ sản 250 triệu USD, tăng 33,9%, lâm sản 253 triệu USD, tăng 100,7%, đầu vào sản xuất 701 triệu USD, tăng 47,3% ,muối 4,3 triệu USD, tăng 39,8%.
Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản từ các thị trường đều tăng. Trong đó, từ châu Mỹ tăng 22,2%, đạt 849 triệu USD, châu Phi tăng 49,6%, đạt 164 triệu USD, châu Á tăng 56,4%, đạt 1,05 tỷ USD, châu Âu tăng 54%, đạt 163 triệu USD và châu Đại Dương tăng 37,1%, đạt 256 triệu USD.
Thị trường trong nước, trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023 do nhu cầu cao dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng tương đối ổn định và tăng giảm đan xen so với thời điểm tháng 12/2023. Ngoại trừ 02 mặt hàng tiếp tục tăng cao chè búp, chè móc câu (19-30%), ớt chuông (33%); một số mặt hàng tăng nhẹ như hạt tiêu đen (5%), cà phê (4-9%), gạo thường (trên 6%), xoài cát Chu (8%), thanh long ruột đỏ (3,4%), thanh long ruột trắng (4,5%), tôm nguyên liệu (4%), cá nguyên liệu (5-6,7%); riêng mặt hàng chăn nuôi có xu hướng giảm từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay như lợn hơi (10,5%), bò hơi (2,5%), gà lông màu (2,3%), gà công nghiệp (6,8%).
Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, giá cả không biến động nhiều thậm chí một số mặt hàng giảm do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, nhu cầu năm nay có tăng hơn so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023./.