Phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường
09:44 - 08/10/2023
(MTNT) - Biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của các địa phương và cộng đồng xã hội.
Chính sách giao đất giao rừng đã đảm bảo rừng có chủ thực sự. Hộ gia đình sau khi nhận đất đã tiến hành các hoạt động đầu tư trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả sử dụng đất và tăng độ che phủ rừng toàn quốc



Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.


Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.


Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.


Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên phạm vi cả nước, tình trạng phá rừng, khai thác trái phép trên quy mô lớn cơ bản được kiềm chế, giảm các điểm nóng, hệ số che phủ rừng đạt 42,01%, cao hơn mức bình quân thế giới.


Chính sách giao đất giao rừng đã đảm bảo rừng có chủ thực sự. Hộ gia đình sau khi nhận đất đã tiến hành các hoạt động đầu tư trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả sử dụng đất và tăng độ che phủ rừng toàn quốc.


Gắn kết giữa phát triển kinh tế rừng và ứng phó hiệu quả BĐKH là nhiệm vụ hàng đầu của không chỉ ngành lâm nghiệp mà của cả các địa phương và các doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng xã hội.


Do đó, cần quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, trong đó: Đối với rừng đặc dụng bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.



 Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng, phát triển dịch vụ môi trường rừng và các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp; thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng.


Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các địa phương cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thật sự; bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng.


 Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh gắn kết giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý rừng như: Xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia và chia sẻ lợi ích công bằng vào công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thông qua cách tiếp cận quản lý hợp tác thích ứng nhằm nâng cao mức độ tham gia của các cộng đồng địa phương, giảm xung đột và nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; có hướng dẫn riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau như: Cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng,...; tăng cường nâng cao năng lực cho các bên liên quan về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.


Đẩy mạnh công tác quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp; điều tra, đánh giá tài nguyên rừng quốc gia; phát triển lâm nghiệp cộng đồng, nâng cao năng lực để các chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bảo đảm đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.


Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương và cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất; phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030.


Phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng và làm giàu rừng; phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa.


Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần đẩy mạnh năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm: Xác định cơ cấu cây trồng, loài cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, có giá trị kinh tế cao và phù hợp mục đích kinh doanh và công nghệ khai thác, chế biến; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống chất lượng cao, trồng rừng thâm canh gỗ lớn, cơ giới hóa và công nghệ cao trong các khâu sản xuất (xử lý thực bì, làm đất, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, lửa rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản...).


Bên cạnh đó, cần ưu tiên các lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn gen, chọn tạo giống, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn; các chế phẩm sinh học và kỹ thuật phục vụ thâm canh rừng trồng. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn và phát huy giá trị nguồn gen cây rừng, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu duy trì cân bằng sinh thái và phát triển lâm nghiệp bền vững.


Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể nhân dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.


Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.


Nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy, chữa cháy và sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.


Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi; thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân.




 
Bình Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn