Hội viên, nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tích cực bảo vệ môi trường
09:44 - 02/10/2023
(MTNT) - Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) trong những năm qua.
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên giúp nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức chung của cả cộng đồng góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương


Hiện có 28 cơ sở Hội, hơn 27.000 hội viên sinh hoạt tại 177 chi Hội trên địa bàn huyện chiếm gần 70% số hộ sản xuất nông nghiệp thì vai trò, trách nhiệm của Hội đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông thôn là vô cùng quan trọng.


Trong những năm qua, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 02/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy và cuộc vận động xây dựng huyện Vĩnh Tường “xanh - sạch - đẹp - văn minh - đáng sống”; phát động thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn bền vững, môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp”, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.


Các cấp Hội  tổ chức các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; Tổ chức thành lập, ra mắt các câu lạc bộ hội viên Nông dân bảo vệ môi trường; vận động cán bộ, hội viên và nhân dân hưởng ứng thu gom, phân loại, xử lý rác thải làm phân bón tại hộ gia đình; đăng ký tham gia tự quản các tuyến đường “sáng- xanh - sạch - đẹp; vận động nông dân đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư...


Là một huyện đồng bằng nằm ở phía Tây Nam của tỉnh với diện tích tự nhiên 141,899 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 9,959.22ha (chiếm 69,16%); 08 xã trên địa bàn huyện thực hiện thành công dồn thửa đổi ruộng với tổng diện tích gần 1.300ha.


 Để góp phần phát triển nông nghiệp an toàn bền vững, các cấp Hội đã căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất của huyện và các xã, thị trấn; chương trình mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư mới kiểu mẫu, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo trong toàn hệ thống Hội từ huyện đến cơ sở triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; đó là xây dựng các bồn chứa vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng.


Mẫu bồn hình ống cống, nhỏ gọn, đường kính từ 70 đến 90cm, giá thành khoảng 1,2-1,3 triệu đồng, dễ vận chuyển, khi không dùng có thể chuyển đi vị trí khác linh hoạt. Những bồn thu gom đều được đặt ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho bà con nông dân khi sử dụng thuốc và thu gom vỏ thuốc.


Về nguyên tắc là chỉ xây dựng bồn chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng sản xuất nông nghiệp, không tổ chức lắp đặt tại những diện tích đất phi nông nghiệp. Mô hình được chọn làm công trình chào mừng Đại hội Nông dân các cấp vào năm 2023 và cũng lấy đó làm mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.


Những bồn thu gom đều được đặt ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho bà con nông dân khi sử dụng thuốc và thu gom vỏ thuốc.

Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân chiều thứ 7 hàng tuần tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trực tiếp ngay từ các hộ gia đình



Hội phối hợp với các Tổ khuyến nông cơ sở, HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom bao bì vào bể chứa và xử lý tiêu hủy theo quy định, không vứt bừa bãi gây phát tán tàn dư thuốc BVTV ra môi trường.


Từ khi có các bồn chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bà con nông dân đã dần từ bỏ thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các bờ ruộng, mương máng, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân được nâng lên.

 
Để công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nông nghiệp an toàn, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ thực vật; tăng cường phối hợp đầu tư hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ như: Các giống cây, con mới, kỹ thuật canh tác mới, các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn hữu cơ, thân thiện môi trường; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tải tác động không tốt đến sản xuất nông nghiệp, đến môi trường, đến sức khỏe con người và nhiệm kỳ tới chuyển từ mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” sang triển khai và nhân rộng mô hình “Cánh đồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.


Mặt khác, các cấp Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và vận động bà con nông dân tiến hành việc thu gom, phân loại chất thải, rác thải sinh hoạt tại gia đình; hình thành và duy trì các tổ thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư để tập trung, vận chuyển tới các địa điểm xử lý theo quy định.



Ngoài ra, huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải tại địa bàn nông thôn…



Hội ND huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho bà con nông dân để nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả, vứt rác thải bừa bãi...



Ngoài ra, vận động hội viên, nông dân hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, cách trộn các loại chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trở thành phân bón hữu cơ phục vụ bón trên cây trồng.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân chiều thứ 7 hàng tuần tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trực tiếp ngay từ các hộ gia đình…


Hàng năm, Hội ND huyện còn tích cực phối hợp và tham gia cùng các đoàn đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các địa phương nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh, điểm nóng, không để xảy ra những hành vi gây ô nhiễm môi trường.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh việc phát động các cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể, thiết thực. Với sự nỗ lực của các cấp Hội, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước.


Có thể khẳng định, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên giúp nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức chung của cả cộng đồng. Từ đó, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương, đồng thời giải quyết một số vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn; phối hợp quản lý tốt nguồn tài nguyên; củng cố vững chắc niềm tin của hội viên, nông dân đối với Đảng, với Nhà nước và tổ chức Hội.


 

Bảo Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn